Ba không khi ăn bánh mì

Bạn không nên để bánh mì trong tủ lạnh, không ăn hằng ngày và một số nhóm người nên tránh xa loại thực phẩm này.

Bánh mì không chỉ là món ăn sáng phổ biến mà còn được dùng trong bữa trưa, tối. Dưới đây là một số lưu ý khi thưởng thức loại thực phẩm này: 

Không để bánh mì trong tủ lạnh

Chuyên gia Kimberly Baker, Trung tâm công nghệ ứng dụng của Đại học Clemson (Mỹ), đưa ra lời khuyên, không nên bảo quản bánh mì trong tủ lạnh. Nhiệt độ thấp của tủ lạnh sẽ khiến bánh mì giảm độ ẩm do tinh bột biến chất. Chuyên gia Baker giải thích: "Mất độ ẩm sẽ khiến bánh mì trở nên khô, dai và có mùi vị cũ". 

Tuy nhiên, theo Southern Living, bánh mì để trong tủ lạnh ít có khả năng bị mốc hơn. Thông thường, bánh mì chế biến sẵn có thể sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Bánh mì sandwich cắt lát tại cửa hàng có thể để được tới 2 tuần trong tủ lạnh. 

Một trong những vấn đề lớn nhất khi bảo quản bánh mì là nấm mốc với các đốm trắng và xanh lá cây. Cất bánh mì trong túi giấy hoặc hộp đựng bánh mì đóng chặt ở nơi mát mẻ, khô ráo, có thể kéo dài thời hạn sử dụng.

Bạn chỉ nên ăn bánh mì 2-3 lần mỗi tuần. Ảnh minh họa: Ban Mai

Bạn chỉ nên ăn bánh mì 2-3 lần mỗi tuần. Ảnh minh họa: Ban Mai

Không ăn hằng ngày

Trên thực tế, hầu hết mọi người đều ăn loại bánh mì trắng do thói quen và hương vị có vẻ ngon hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g bánh mì trắng có 265 calo, 3,2g chất béo, 491mg muối (20% nhu cầu hằng ngày), 115mg kali, 49g carbohydrate, 9g protein. 

Dựa vào dữ liệu của hơn 20.000 cá nhân, các nhà khoa học đánh giá, 55% số người chỉ nên thỉnh thoảng ăn bánh mì trắng lượng nhỏ. 45% số người còn lại có thể thưởng thức bánh mì trắng ở mức độ vừa phải (khoảng 2-3 lần một tuần). 

Bánh mì trắng là thực phẩm chế biến có hàm lượng carbohydrate chất lượng thấp, thậm chí chứa thêm đường. Vì vậy, ăn bánh mì trắng dễ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến rồi giảm nhanh chóng. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy đói trở lại ngay sau khi ăn và không tốt cho sức khỏe của bạn về lâu dài.

Lượng đường trong máu tăng bao nhiêu sau khi bạn ăn bánh mì trắng là tùy thuộc vào từng người và các yếu tố như giới tính, độ tuổi. Dựa trên nghiên cứu đăng trên ZOE, bánh mì trắng có khả năng gây ra lượng đường trong máu tăng đột ngột ở hơn một nửa dân số.

Người mắc tiểu đường, béo phì không nên ăn bánh mì trắng 

Ăn thực phẩm làm từ carbohydrate tinh chế thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, béo phì. Bánh mì trắng nằm trong top các món người bệnh tiểu đường nên tránh để không làm lượng đường trong máu tăng vọt. 

Bánh mì trắng được tinh chế rất nhiều, thiếu các chất dinh dưỡng có lợi như protein và chất xơ, nên bạn dễ đói nhanh hơn. Một nghiên cứu với hơn 9.000 người cho thấy ăn 2 lát bánh mì trắng (120g) mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ thừa cân hoặc béo phì cao hơn 40%. 

Bởi vậy, theo Verywell Health, nếu bạn muốn ăn bánh mì nên chọn loại làm từ ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và không làm tăng lượng đường bất thường.