Tư lệnh ngành Y tế cho biết, tại Bắc Ninh nhiều ổ dịch không rõ đường lây truyền và khả năng xâm nhập từ cộng đồng vào khu công nghiệp rất lớn và hiện hữu. Vì thế một số khu nhà lưu trú có tập trung đông công nhân nếu có ca nhiễm thì lập tức áp dụng thiết chế cách ly tập trung, đảm bảo tối đa an toàn, không cho ra khỏi phòng và xử lý nghiêm vi phạm; giảm mật độ ở những khu này theo hướng 50% đi làm, 50% ở nhà.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã công khai giá các mặt hàng chống dịch, nên tỉnh Bắc Ninh cần tham khảo để thực hiện mua sắm. “Thường vụ tỉnh Bắc Ninh cần quyết định vấn đề liên quan đến mua sắm test nhanh mới thực hiện ngay được. Nếu đấu thầu thì sẽ khó khăn và lâu. Bộ Y tế sẽ cấp thêm cho địa phương nhưng cũng khó đáp ứng đủ vì nhiều địa phương có nhu cầu”, ông Long nói.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin qua kiểm tra một số nhà máy trong các khu công nghiệp, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp tự lấy mẫu. Bộ Y tế đã có video hướng dẫn nên chỉ cần làm 1-2 lần là thực hiện tốt.
Về xét nghiệm PCR, Bộ trưởng nêu rõ không lo thiếu. Tuy nhiên, tỉnh cần kết hợp vừa xét nghiệm test kháng nguyên nhanh vừa xét nghiệm gộp mẫu mới làm nhanh được. Liên quan đến điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã tiếp tục giao các bệnh viện trung ương đảm bảo tối đa nhân sự hồi sức tích cực (ICU) cho Bắc Ninh. Tỉnh cũng cần xây dựng phương án có 5.000 ca mắc để chủ động ứng phó.
Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vắc xin thì Bộ Y tế ủng hộ. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm ngoài 150.000 liều vắc xin đã cấp cho tỉnh, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, sáng 29/5, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa.
“Bộ Y tế đã giao 2 đồng chí Thứ trưởng trong vòng 7 ngày phải tiêm xong 200.000 liều tại mỗi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay các đơn vị sản xuất test nhanh đang nỗ lực nâng cao năng lực, hiện khoảng 150.000 test/ngày, trong khi nhu cầu thì nhiều. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh về Việt Nam.
ĐH Y Hà Nội lấy mẫu bệnh phẩm tại điểm nóng Yên Phong
Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn, với khoảng 100.000 công nhân. Trong những ngày gần đây, liên tục xuất hiện các ca mắc mới trên địa bàn. Tính đến ngày 29/5, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 32 ca mắc COVID-19.
Được sự chỉ đạo của Sở Y tế, đoàn công tác tình nguyện của BV Đại học Y Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh tổ chức 4 điểm lấy mẫu lưu động tại Trường THCS Tam Giang, Nhà văn hóa thôn Vọng Nguyệt, Nhà văn hóa thôn Như Nguyệt, Nhà phụ trợ đình làng thôn Như Nguyệt thuộc xã Tam Giang.
Bác sĩ Ngô Văn Thảo, Phó giám đốc TTYT huyện Yên Phong cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, y tế địa phương đang tập trung vào công tác xét nghiệm, nhằm sàng lọc, phát hiện sớm, tập trung vào khu đông dân cư để từ đó kịp thời truy vết, khoanh vùng nhanh.
Riêng tại xã Tam Giang, trong 2 ngày 27-28/5 trên địa bàn đã ghi nhận 3 ca COVID-19 tại cộng đồng. “Nhờ sự chi viện và tăng cường lực lượng của 50 giảng viên và sinh viên từ Trường Đại học Y Hà Nội, chúng tôi cố gắng lấy hết 3.300 mẫu trong ngày hôm nay để kịp thời truy vết, khoanh vùng nếu phát hiện các ca mắc mới” - ông Ngô Văn Thảo nói.
Đối tượng xét nghiệm là người có nguy cơ cao như tiểu thương kinh doanh ở chợ, người dân sống trong các khu chung cư, khu nhà trọ và chọn ngẫu nhiên nhóm người thường xuyên di chuyển, tiếp xúc nhiều.