Bắc Ninh ghi nhận 46 ca dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc làm việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh
Hiện tỉnh đã ghi nhận 46 ca dương tính SARS-CoV-2 chỉ trong 1 tuần. Trong đó Thuận Thành là huyện có số ca mắc nhiều nhất với 37 ca, riêng xã Mão Điền có tới 34 ca.
Đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định ổ dịch ở Bắc Ninh có nguồn lây rõ ràng từ người đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 trở về, đến nay các ca bệnh vẫn theo dấu nguồn lây, chưa bị mất dấu.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định "dứt khoát F1 phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà, việc cách ly này phải rất chặt chẽ".
PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nhấn mạnh: đưa F1 đi cách ly tập trung là để chặt đứt nguồn lây khỏi cộng đồng một cách triệt để vì thế tuyệt đối không để sót ai.
"Điều này là không thoả hiệp, không bàn cãi. Để F1 ở cộng đồng là quá nguy hiểm" - vị chuyên gia nói thêm để F1 ở nhà hay ở cơ quan sẽ lây cho cả nhà, cả cơ quan, sẽ thành ổ dịch lớn, chưa kể dễ mất dấu.
Khu vực phong tỏa phải làm nghiêm ngặt
Điểm chốt phòng dịch ở phường Vân Dương (TP Bắc Ninh)
Theo báo cáo của tỉnh, hiện dịch đã xuất hiện tại 5/8 huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh. Với những địa phương còn lại, vừa phải cảnh giác cao độ, bảo vệ chặt chẽ, vừa phải coi như đang có dịch để kích hoạt mức cao nhất trong biện pháp chống dịch. Việc kích hoạt này phải đến tận từng thôn, làng, từng người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khi trực tiếp kiểm tra điểm chốt phòng dịch ở phường Vân Dương (TP Bắc Ninh), nơi ghi nhận ca bệnh COVID-19 và phường phải thực hiện phong toả, đã nhấn mạnh: Việc phong toả phải rất nghiêm ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. 230 hộ của khu vực phong toả phải ký cam kết chấp hành đảm bảo phòng dịch. Riêng cá nhân người thuộc diện F2 phải ký cam kết không được ra khỏi nhà.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò then chốt của tổ COVID cộng đồng. Theo đó, tổ này hằng ngày phải theo dõi, lấy thông tin sức khoẻ ngày 2 lần với người F2. Phải có sổ theo dõi, nhật ký.
"Khi đến từng nhà phải giữ khoảng cách, người đứng trong, người đứng ngoài, tuyệt đối không tiếp xúc gần" - Thứ trưởng hướng dẫn cụ thể với Ban chỉ đạo phòng dịch phường Vân Dương.
Điều này được ông tiếp tục nhấn mạnh trong cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh ngay sau đó.
Theo đó việc thành lập tổ COVID cộng đồng không chỉ thực hiện ở nơi có dịch mà phải lập trên toàn tỉnh, kể cả khi có dịch hay không. Thẩm quyền thành lập tổ này thuộc về chủ tịch UBND cấp xã/ phường. Tổ này phải được tập huấn, gửi tài liệu trực tiếp để nghiên cứu.
Đây chính là "ra đa, ăng ten, mắt thần" cho ban chỉ đạo chống dịch, là nơi tổng hợp thông tin phát giác "người lạ" như nhập cảnh trái phép, người trốn cách ly...
Về vấn đề khoanh vùng, phong toả, chuyên gia đoàn Bộ Y tế nhấn mạnh khi có ổ dịch tại cộng đồng, việc khoanh vùng phong toả phải theo nguyên tắc: khoanh vùng tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Sau khi có kết quả xét nghiệm, đánh giá nguy cơ, các mối liên quan dịch tễ, sẽ tiến hành thu dần diện khoanh vùng, nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó để tiến tới "phong toả cứng" gọn nhất có thể.
"Việc phong toả phải làm nghiêm" - Thứ trưởng nhấn mạnh điều này giúp khoá chặt ổ dịch.
Giải thích thêm, PGS Trần Như Dương khẳng định bên trong ổ dịch được phong toả đó phải dập dịch triệt để, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong ổ dịch. Nếu coi việc "khoá ổ dịch" đó rồi "mải miết" chống dịch nơi xung quanh thì "không khác gì nhà cháy lại khoá cửa lại" – PGS Dương ví von để minh hoạ cho việc phải làm sạch ổ dịch, theo nguyên tắc nhà cách ly nhà, người cách ly người.
"Đường sá vắng tanh, cửa đóng im ỉm, chó gà ngơ ngác" là hình ảnh chống dịch trong vùng phong toả, phải làm như thế đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch" - PGS Dương nói.
5 việc Bắc Ninh cần lưu ý
Ngoài việc truy vết, phòng chống dịch ở mặt trận cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn chuyên gia của Bộ lưu ý Bắc Ninh cần chú ý 4 mặt trận khác.
Mặt trận "nóng" đầu tiên được nhắc tới là tại các xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp, rút kinh nghiệm từ bài học Hải Dương cách đây không lâu.
Thứ 2 là mặt trận cơ quan công sở, đơn vị công quyền. Với mặt trận này, chuyên gia khuyến cáo phải siết chặt kỷ luật, tuân thủ quy chế phòng chống dịch, khai báo dịch tễ đầy đủ.
Mặt trận thứ 3 là bệnh viện và cơ sở y tế. Thứ trưởng lưu ý, Bộ Y tế vừa có Công văn số 3775 ngày 6/5 về việc tăng cường phòng chống dịch trong cơ sở khám chữa bệnh và Công điện về việc nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.
Mặt trận thứ 4 được các chuyên gia lưu ý với Bắc Ninh là khu cách ly tập trung.
"Chống dịch là việc của mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà, mọi người dân, không phải riêng ngành Y tế".
Bắc Ninh có gần 1.000 người là F1 Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết hiện Bắc Ninh có gần 1.000 người thuộc diện F1 đang cách ly tập trung, còn hơn 200 mẫu xét nghiệm đối tượng này đang chờ kết quả. Nếu phát sinh thêm ca bệnh, lượng F1, F2... lại "phình rộng" ra. Riêng huyện Thuận Thành, nếu mở rộng xét nghiệm cho người dân sẽ phải lấy tới 180.000 mẫu chưa kể lực lượng công nhân lao động. Do đó, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh mong Bộ Y tế hỗ trợ cho Bắc Ninh về nhân lực, test kit xét nghiệm, các thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch khử khuẩn…) |