Ảnh minh họa: Internet
Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cúm là bệnh gặp phổ biến trong thời điểm hiện tại, là bệnh lành tính nhưng ở những người đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có sẵn các bệnh mãn tính... nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.
Đây là bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
Trước thực trạng nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu về để dự phòng như hiện nay, khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần, hiện giá dao động khoảng từ 150.000 đ- 200.000 đ/viên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng mọi người không nên quá lo lắng, lùng sục khắp các nhà thuốc để tìm mua Tamiflu. Đây chỉ là một loại thuốc có tác dụng hỗ trợ, không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 điều trị cúm, bởi có nhiều cách phòng và điều trị cúm hiệu quả.
Còn theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, quan trọng nhất, chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật.
Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng. 4-6 giờ nhắc lại một lần. Cùng đó, chườm nước ấm cho trẻ ở vùng trán, nách, bẹn. Ảnh minh họa: Internet
Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng. 4-6 giờ nhắc lại một lần. Cùng đó, chườm nước ấm cho trẻ ở vùng trán, nách, bẹn.
Riêng với các trẻ lớn, nếu mắc cúm nhưng không có các nguy cơ, uống hạ sốt vẫn hạ, TS Hải khuyên các bậc phụ huynh nên để chăm sóc tại nhà, tránh đưa vào bệnh viện vì làm tăng nguy cơ bội nhiễm, lây chéo nhiều bệnh.
Tuy nhiên với những trường hợp có sẵn bệnh lý nền, có nhiều dấu hiệu bất thường sức khoẻ (trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh), cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Khi khám, bác sĩ xác định trẻ có nguy cơ mắc bệnh gì, từ đó hướng dẫn chăm sóc, hướng dẫn phát hiện các triệu chứng để đưa bé đi tái khám.
Cha mẹ cũng cần chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hàng ngày để vệ sinh họng, làm sạch vi khuẩn, tránh bội nhiễm, hạ sốt nhanh hơn.
Cuối cùng, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Ngoài ra, cần hạn chế người lớn tiếp xúc với trẻ vì trong hầu họng người bình thường, 60-70% virus, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm bé nặng lên hoặc lâu khỏi hơn.
Người lớn cũng nên hạn chế cho trẻ cúm tiếp xúc trẻ lành, hướng dẫn con che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
Cha mẹ nên mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ; tăm cho con bằng nước ấm trong phòng kín gió để tránh nhiễm lạnh; Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
Gia đình cũng cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước; tăng cường cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
Với bệnh cúm, TS Hải cho biết, biến chứng nguy hiểm nhất là viêm phế quản, viêm phổi, một số trường hợp viêm cơ tim, viêm não, suy đa phủ tạng. Do đó, rất cần các phụ huynh theo dõi sát để phát hiện sớm các nguy cơ.