Mùa nóng, cộng thêm khí hậu ẩm thấp mưa nhiều là môi trường lý tưởng cho côn trùng sinh sản. Thời điểm này cũng là lúc hoa trái chín rộ trở thành nguồn thức ăn phong phú cho côn trùng phát triển. Nếu cộng thêm tình trạng cỏ mọc um tùm, rác thải bừa bãi thì chính là thiên đường của muỗi, bọ gậy,...
Muỗi là "đặc sản" của mùa hè, vết đốt nhỏ bé của nó có thể gây ra nhiều hệ lụy như sốt rét, sốt xuất huyết...
Theo bác sĩ Lê Như Hải (Viện Vệ sinh dịch tễ TW): 90% các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng đỏ, ngứa và đau, những biểu hiện này sẽ biến mất trong vòng một vài giờ. Tại vị trí côn trùng đốt thường viêm tấy đỏ, giai đoạn đầu có thể quan sát thấy vết đốt ở giữa tổn thương. Sau đó tổn thương dần tạo thành một sẩn huyết thanh hoặc sẩn cục. Bệnh nhân hay bị đốt nên ngứa nhiều nhất là vùng hở như là chi dưới, cẳng tay, mặt khi tắm bị đốt cả lưng, ngực.
Sau khi bị đốt, vết đốt để lại điểm châm kim rớm máu sau 5-30 phút nốt sẩn như nốt muỗi đốt, cá biệt sưng vù như bị ong đốt, ngứa. Sẩn tồn tại 3-6 giờ có khi 7-10 ngày càng gãi càng ngứa, càng nổi lên, do gãi trợt ra nhiễm khuẩn có mủ vảy tiết, khi lành để lại sẹo sẫm màu.
Chỉ có khoảng 10% các trường hợp có phản ứng nặng hơn như phù nề, quầng đỏ lan rộng, ngứa toàn thân kèm đau nhức. Cá biệt, có vài trường hợp bị nổi mề đay, phù nề môi, mắt, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các phản ứng này là do sự phóng thích trực tiếp histamin dưới tác dụng của nọc côn trùng, phổ biến nhất là ong đất, ong mật, ong vò vẽ, ong nghệ, ong bắp cày và kiến lửa, đôi khi có thể là các loại rận rệp.
Bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh, vào mùa này, các bệnh dị ứng thường tăng cao do tác động của nhiều loại côn trùng. Giường chiếu cũng xuất hiện nhiều loại bọ nhỏ, gây ngứa. Cách đơn giản nhất là vẩy một chút dầu hoả hoặc dầu oải hương vào bốn góc giường, trong vòng 24h sau, các loại bọ nhỏ sẽ đi hết. Vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, chăn màn thường xuyên cũng là cách đuổi bọ hữu hiệu. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giầy, mặc áo dài tay, quần áo nên tối màu, tránh dùng các mỹ phẩm có mùi thơm quyến rũ côn trùng.
Một vết đốt nhỏ có thể gây ra những hậu quả lớn nếu không được xử lý đúng cách.
Trong trường hợp bị côn trùng lạ đốt, cần phải rửa sạch vết đốt để tránh nguy cơ bội nhiễm, chườm lạnh và nâng cao để giảm phù nề. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc. Sẩn ngứa ban đầu nhẹ có thể nặn nhẹ ra máu, chấm cồn I-ốt 1%, sử dụng dầu cao, xát lá ngải cứu,... vào nơi tổn thương, tránh gãi nhiễm khuẩn. Sau đó, dùng các thuốc kháng histamin bôi tại chỗ (như kem phenergan) có thể giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa. Khi điều trị tại chỗ không hiệu quả, có thể sử dụng các thuốc kháng histamin (loratadin, cetirizin) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm.
Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng mạnh. Những trường hợp nhẹ chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Một số trường hợp nặng tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trước đó bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona, dẫn đến điều trị sai cách.
Theo bác sĩ Hải, kiến ba khoang không chỉ xuất hiện ở nhà mặt đất, mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cao tầng cũng có thể bị kiến ba khoang bay vào nhà. Độc tố trong kiến ba khoang mạnh, mặc dù loài côn trùng này không cắn hoặc chích, chỉ do mọi người vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang.
Kiến ba khoang không chỉ xuất hiện ở nhà mặt đất, mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cao tầng cũng có thể bị kiến ba khoang bay vào nhà.
“Khi kiến ba khoang bị tác động, chà xát hay bị giết thường giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin, chất gây phồng rộp da mạnh, có thể làm bỏng da, viêm da. Kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên dễ bị hấp dẫn bởi ánh sáng đèn vào ban đêm và vào nhà. Người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Điều quan trọng không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác....", bác sĩ Hải khuyến cáo.