Đáp ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - ngành y cả nước cùng "chung tay" với Bắc Giang chiến thắng dịch COVID-19, đúng 15h ngày 2/6, lực lượng tinh nhuệ gồm 6 y, bác sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng đã có mặt tại Bắc Giang.
Sáng 3/6, BS Phan Văn Chung (Khoa Hồi sức tích cực chống độc) - Trưởng đoàn BV C Đà Nẵng đã có mặt tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại BV Tâm thần Bắc Giang. Dưới cái nắng 38-39 độ, mắt anh nheo lại và cái đầu gần như cạo trọc trông có vẻ khó tính. Nhưng khi hỏi chuyện, BS Phan Văn Chung vui vẻ chia sẻ: "Trước khi lên đường, mấy anh em quyết định cạo trọc đầu cho đỡ nóng và vướng víu khi phải mặc bộ đồ bảo hộ, đồng thời cũng an toàn hơn, tránh bị lây nhiễm COVID-19 khi làm việc lâu dài cùng bệnh nhân nặng. Còn 2 bạn trong đoàn chưa "xuống tóc" vì muốn giữ quả đầu đẹp thêm vài ngày nữa. Riêng tôi, lúc đó xuống tóc không có nghĩ đẹp xấu mà chỉ nghĩ thuận lợi nhất khi vào phòng bệnh, xong nhiệm vụ trở về rồi lại đẹp sau cũng được. Nhưng rồi soi gương thấy tóc mới này cũng đẹp, lại được thêm bà xã khen: Ngầu!".
BS Phan Văn Chung trước và sau khi "xuống tóc"
Nói về việc nhanh chóng lên đường chi viện, BS Chung tâm sự: "Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, đặc biệt là ở Bắc Giang, nên chúng tôi đều mong được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch. Chính vì thế khi vừa biết thông tin Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ cử đoàn y, bác sĩ lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang (chiều 31/5), tôi đã xung phong tham gia đoàn. Và ngay hôm sau, đoàn lập tức lên đường và tự đi xe ô tô với mục đích chủ động trong việc đi lại khi đến tâm dịch. Chuyến đi này có thể sẽ dài, chưa rõ ngày trở về nhưng tôi cùng với đồng nghiệp sẽ nỗ lực góp một phần công sức và khả năng của mình với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh".
Chia sẻ về sự chuẩn bị khi đến "tâm dịch", BS Phan Văn Chung cho biết: "Lần đầu đến Bắc Giang, môi trường trường mới cũng khiến chúng tôi có phút bỡ ngỡ. Nhưng sau đó gặp được nhiều anh em đồng nghiệp từ các tỉnh thành đã đến chi viện nên tinh thần cũng ổn định và không lo lắng gì. Chúng tôi cũng như các đồng nghiệp và đồng bảo cả nước đều theo dõi tình hình dịch Bắc Giang phức tạp nên chắc chắn sẽ có khó khăn nhưng nhiều đoàn chi viện, anh em sẽ hỗ trợ nhau. Và với kiến thức, cũng như kinh nghiệm chống dịch tại Đà Nẵng, chúng tôi chắc sẽ cố gắng góp phần công sức để Bắc Giang chiến thắng dịch".
BS Phan Văn Chung tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc
Nhắc đến hậu phương, BS Phan Văn Chung cho biết, bà xã của anh là điều dưỡng và cùng công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
"Khi nghe tin tôi xung phong lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19, bà xã có chút lo lắng. Cô ấy cũng đã có ý định đăng ký vào đoàn chi viện lần này, nhưng vì còn 2 con nhỏ nên đành giấu nước mắt và động viên chồng lên đường với tâm thế quyết thắng. Thực sự, vì hai vợ chồng làm cùng ngành và Đà Nẵng cũng từng là tâm dịch nên bà xã hiểu rõ được trách nhiệm, và sự cần thiết của những đoàn chi viện cho Bắc Giang lúc này", anh tâm sự.
Sau khi đến Bắc Giang, đoàn chi viện của BV C Đà Nẵng cùng BV Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Hữu nghị và khối BV tư nhân Hà Nội (Vinmec, Thu Cúc, Việt- Pháp...) tiếp nhận điều trị ca bệnh nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc đặt tại BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang.
"Hậu phương" vững chắc của BS Phan Văn Chung