Theo bác sĩ chuyên khoa Gan mật và Tiêu hóa Zhan Yixue (Trung Quốc), âm thanh ở bụng có thể tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe của hệ tiêu hóa, nhất là dạ dày, thường gọi là sôi bụng. Âm thanh thường gặp nhất là tiếng “ọc ọc” phát ra từ bụng, nhiều người từng trải qua khi quá đói bụng.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân bụng phát ra tiếng kêu này khi đói là do không khí, thức ăn, chất lỏng di chuyển trong quá trình co bóp của cơ trơn quanh ống tiêu hóa. Khi ăn, thức ăn sẽ cản bớt tiếng ồn trong dạ dày và ruột. Tuy nhiên, khi bụng rỗng, tiếng kêu này sẽ phát ra to và rõ hơn.
Tuy nhiên, nếu như bạn đã ăn no nhưng bụng vẫn phát ra những âm thanh lạ này thì rất có thể đã mắc 1 trong 8 vấn đề sau đây:
1. Khó tiêu, tích nhiều khí trong dạ dày
Khó tiêu cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sôi bụng dù không hề đói bụng. Một số thực phẩm giàu carbohydrate và chất xơ dễ gây ra khó tiêu nếu ăn nhiều như: khoai tây, tỏi, hành, súp lơ... Bên cạnh đó, uống nhiều bia rượu, thực phẩm lên men, các món ăn nhiều dầu mỡ cũng dễ làm khí bị tích trong đường ruột và khiến bụng phát ra âm thanh.
Hay một số thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhanh, vừa ăn vừa nói, nuốt nhiều không khí khi ăn, nằm ngay sau khi ăn có thể làm tích tụ khí trong dạ dày dẫn đến sôi bụng.
2. Hội chứng ruột kích thích hoặc đại tràng kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Bệnh có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt bụng tái phát nhiều lần, kèm theo cảm giác khó chịu và tiếng sôi bụng.
Âm thanh sôi bụng như tiếng “ọc ọc” sẽ xuất hiện sau mỗi lần ăn uống, nhất là các đồ ăn lạnh, chua, cay… hoặc ăn quá no. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ngoài dấu hiệu đau bụng dưới kêu ọc ọc thì còn có các dấu hiệu khác kèm theo như tiêu chảy, táo bón, đau bụng rút, đầy hơi… Hầu hết các trường hợp hội chứng ruột kích thích đều không rõ nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.
Còn đại tràng kích thích thì là 1 loại rối loạn chức năng đại tràng, có tính chất tái đi tái lại kéo dài ít nhất 3 tháng mà không làm tổn thương thực thể về mặt tổ chức sinh học, sinh hóa hay giải phẫu. Bệnh thường gặp ở người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, bên cạnh dấu hiệu đau bụng dưới, bụng kêu “ọc ọc” thì bệnh còn có triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, đau bụng, trướng bụng và rối loạn đại tiện.
3. Rối loạn đường ruột hoặc căng thẳng
Rối loạn hệ vi sinh đường ruột có thể khiến bụng phát ra những âm thanh lạ. Khi thực đơn hàng ngày thiếu hụt lợi khuẩn sẽ là điều kiện để hại khuẩn phát triển, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn gặp nhiều khó khăn. Từ đó sinh ra tình trạng đầy hơi, sôi bụng nhiều hơn, ngay cả khi bạn không hề cảm thấy đói.
Một loại rối loạn thường gặp khác ở đường ruột gây sôi bụng là rối loạn chức năng đường ruột. Thường xảy ra chủ yếu là do ăn uống không lành mạnh. Biểu hiện qua các triệu chứng như tăng nhu động ruột, táo bón, trướng bụng. Ngoài ra, nó còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dễ dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, bác sĩ Zhan cho biết căng thẳng, stress kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiếng “ọc ọc” ở bụng. Bởi nó ảnh hưởng đến khả năng co thắt của nhu động ruột, gây kích thích thành ruột khiến cho ruột co bóp mạnh hơn và kết quả là bụng sôi với âm thanh dễ gây xấu hổ ở nơi đông người.
4. Viêm dạ dày ruột cấp tính
Tăng nhu động ruột và khiến bụng phát ra tiếng kêu cũng có thể do viêm dạ dày ruột cấp tính. Đây là một bệnh lý cấp tính thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, sốt, sôi bụng.
Viêm dạ dày ruột cấp có thể tự khỏi khi có chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn sẽ cần điều trị bằng thuốc.
5. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột mãn tính, còn gọi là viêm ruột từng vùng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Các dấu hiệu của bệnh có thể bao gồm đau bụng dưới kêu “ọc ọc”, tiêu chảy, sụt cân, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, ói mửa, và thiếu máu.
Ngoài gây khó chịu, ảnh hưởng tới ăn uống, sinh hoạt cũng như gây tổn thương ở cả ruột non, ruột già, bệnh này còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và cả hậu môn. Thậm chí bệnh còn có thể dẫn đến những tổn thương gan, loãng xương và ung thư ruột kết. Bệnh Crohn có thể gây nguy hiểm tính mạng thông qua các biến chứng nặng.
6. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Bác sĩ Zhan giải thích, người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) cũng có nhu động ruột tăng nên khó tránh khỏi bụng đột nhiên kêu “ọc ọc” ngay cả khi vừa ăn xong.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, giai đoạn giữa có thể xuất hiện các triệu chứng đau bụng, chướng bụng, trào ngược axit, mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày, ung thư dạ dày vô cùng nguy hiểm.
7. Trào ngược axit hoặc nhạy cảm với gluten
Khi bị bụng kêu “ọc ọc” và xì hơi hoặc buồn nôn sau bữa ăn, có thể do bạn bị trào ngược axit. Các axit trong dạ dày trào lên thực quản, nguyên nhân do ăn quá nhiều, hay hút thuốc, bia rượu hoặc bệnh lý về trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh cũng thường gặp hơn ở những người béo phì hoặc phụ nữ đang mang thai ở độ tuổi trên 35.
Ngoài ra, những người bị nhạy cảm với gluten cũng rất dễ gặp hiện tượng bụng liên tục phát ra âm thanh, khó chịu sau khi ăn thực phẩm chứa gluten. Hoặc những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày hoặc rối loạn tự miễn dịch khác có thể không có khả năng xử lý gluten, gây ra tình trạng bụng kêu “ọc ọc” và xì hơi sau khi ăn.
8. Tắc ruột
Hiểu một cách đầy đủ, hội chứng tắc ruột là tình trạng ruột của người bệnh bị tắc nghẽn cơ năng hoặc cơ học. Từ đó làm ngăn cản sự di chuyển bình thường của các sản phẩm tiêu hoá, khiến chúng bị tích tụ lại gây bít tắc, không đào thải ra ngoài cơ thể của người bệnh được.
Lúc này, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng từng cơn, cứng bụng nhưng lại đi kèm buồn nôn, bụng kêu “ọc ọc” nhưng lại buồn nôn và nôn cùng với không thể đi tiêu.
(Ảnh minh họa)
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hội chứng tắc ruột, bao gồm dính ruột, lạc nội mạc tử cung, xoắn ruột, bệnh viêm ruột, thoát vị, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, khối u, thiếu máu cục bộ ruột, lao ruột và lồng ruột… Trong đó, bác sĩ Zhan cho biết dính ruột do hậu phẫu, tắc ruột do khối u và viêm ruột là những trường hợp phổ biến nhất xuất hiện âm thanh lạ ở vùng bụng dù đã ăn no.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Doctor Family, Healthline