BS CKI Phạm Thị Mỹ Anh
Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Quận Thủ Đức
2010 - 2016: Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
2018 - 2022: Theo học chương trình đào tạo Bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên ngành Nhi khoa của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
2022: Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên ngành Nhi khoa tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường hợp chấn thương đầu ở trẻ
Lắc trẻ mạnh tay, hoặc bế trẻ sơ sinh không giữ cổ có thể gây ra những chấn thương cho trẻ. Hội chứng rung lắc nói riêng và chấn thương đầu do bạo hành nói chung, bao gồm các chấn thương sọ, não, ngoài ra có thể gây tổn thương cột sống, cổ và mắt. Tình trạng này gây ra bởi chấn thương do lực tác động mạnh từ bên ngoài hoặc do lắc, xoay.
Trẻ sơ sinh bị chấn thương đầu thường có biểu hiện lâm sàng không rõ ràng và không có tiền sử chấn thương, dẫn tới có thể bị chẩn đoán sai khi đánh giá ban đầu.
Hầu hết các trường hợp chấn thương đầu do lắc/bạo hành xảy ra ở trẻ <1 tuổi.
Đa phần các trường hợp chấn thương đầu (do lắc hoặc các lực tác động khác) xảy ra do cha mẹ hoặc người chăm sóc tức giận - mất kiểm soát, lắc hoặc lay mạnh hoặc vỗ mạnh vào mặt, đầu trẻ để trừng phạt khi trẻ khóc, hoặc lắc để trẻ im lặng. Tình huống này dễ xảy ra khi gồm cha mẹ/người chăm sóc chính còn trẻ và/hoặc đơn thân, những người có trình độ học vấn thấp hơn; hoàn cảnh gia đình không ổn định; các yếu tố căng thẳng trong gia đình bao gồm căng thẳng về tài chính - kinh tế; bạo lực gia đình, lạm dụng rượu/ma túy và trầm cảm của cha mẹ.
Trẻ khóc nhiều là nguyên nhân phổ biến dẫn tới hội chứng rung lắc. Do đó, những em bé "đau bụng" hoặc những em bé mà người chăm sóc có khả năng chịu khóc hạn chế dễ dàng dẫn tới nguy cơ bị tổn thương đầu do rung lắc. Trong một nghiên cứu, thủ phạm thường cho biết việc lắc trẻ sơ sinh là một cách hiệu quả để khiến trẻ ngừng khóc. Nhiều khi, người chăm sóc không có ý định làm hại em bé. Tuy nhiên, đó là một hình thức lạm dụng trẻ em.
Các chấn thương cụ thể bao gồm xuất huyết dưới màng cứng (thường xuất huyết lan tỏa, dọc theo dây chằng và/hoặc trên các lồi não), xuất huyết võng mạc nhiều lớp lan tỏa và chấn thương não lan tỏa. Tổn thương tủy sống, cũng như tổn thương dây chằng, đốt sống và mô mềm cạnh cột sống cũng có thể gặp trong các trường hợp chấn thương đầu do bạo hành.
Não của trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương do:
- Đáy sọ của trẻ sơ sinh tương đối bằng phẳng, cho phép não dễ dàng di chuyển hơn trước các lực giảm gia tốc (khi đong đưa mạnh và dừng đột ngột). Những đặc điểm này làm cho bộ não đang phát triển dễ bị tổn thương hơn. Chấn thương rất có thể xảy ra khi em bé bị lắc và sau đó đầu em bé đập vào một cái gì đó. Ngay cả việc va vào một vật mềm, chẳng hạn như nệm hoặc gối, cũng đủ để gây thương tích cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Cấu trúc hộp sọ trẻ sơ sinh mỏng. Do đó, các lực dễ dàng bị truyền vào não hơn.
- Đầu trẻ sơ sinh tương đối to, nặng và không ổn định. Bộ não của một đứa trẻ hai tuổi trung bình nặng khoảng 75% trọng lượng của bộ não người trưởng thành trung bình. Đầu to và cơ cổ yếu (đặc biệt nổi bật ở trẻ nhỏ) gây ra sự không ổn định của trục đầu - cột sống hơn khi đầu chịu tác động của lực tăng - giảm tốc (đong đưa tới lui mạnh và dừng đột ngột) dẫn tới tổn thương cột sốt cổ và tủy sống.
Ngoài chấn thương trực tiếp do lực tác động, não cũng có thể bị tổn thương gián tiếp do thiếu oxy, thiếu máu cục bộ. Đây có thể là hậu quả của nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm ngưng thở do chấn thương não - tủy sống cổ trong khi lắc, hoạt động co giật kéo dài, hít sặc do mất phản xạ bảo vệ đường thở, thay đổi lưu lượng máu não và các nguyên nhân khác.
Có thể nghi ngờ trẻ bị bạo hành dựa vào sự kết hợp của nhiều dấu hiệu
Trẻ em bị chấn thương đầu do lạm dụng có thể có các dấu hiệu, triệu chứng không rõ ràng. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể nhẹ vào lúc ban đầu và không đặc hiệu (ví dụ: nôn mửa, bú kém, khó chịu hoặc lừ đừ) hoặc nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng
Cha mẹ, người thân, bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ bị bạo hành dựa vào sự kết hợp của nhiều dấu hiệu:
- Bất kỳ vết bầm tím nào ở vùng đầu: ví dụ tai, miệng, hầu họng, cổ
- Các vết thương trên cơ thể mà người trông trẻ giải thích cơ chế không hợp lý (ví dụ chấn thương đầu do ngã ngửa khi ngồi trên nệm)
- Chấn thương vùng đầu kèm theo chấn thương một vùng khác trên cơ thể mà không phải do tai nạn
- Các triệu chứng thần kinh: co giật không sốt, quấy khóc nhiều, bỏ bú, lừ đừ…
- Co giật không sốt kèm có dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị bạo hành
- Nôn nhiều mà không có tiêu chảy
Hậu quả của chấn thương đầu do bạo hành: trẻ có thể tử vong nếu phát hiện muộn. Ngoài ra, có thể ảnh hưởng lâu dài về chức năng nhận thức và nguy cơ tàn tật sau này (mù, liệt, động kinh, suy giảm khả năng nói, bại não, thiểu năng trí tuệ…). Di chứng trên X quang của chấn thương do lắc bao gồm nhồi máu, teo não (toàn thân hoặc không đối xứng), nhuyễn não, não úng thủy và xuất huyết dưới màng cứng mạn tính.
Vì vậy, để phòng tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, cha mẹ cần cùng nhau chuẩn bị những hành trang tốt nhất trước khi đón trẻ chào đời. Trên hết là tình yêu thương, sau đó là kinh tế và thời gian. Người cha cần quan tâm đến mẹ bé nhiều hơn ở giai đoạn đầu sau sinh vì đó là giai đoạn dễ trầm cảm và rối loạn cảm xúc ở phụ nữ.
Ngoài ra, nếu có điều kiện thuê người chăm trẻ, tốt nhất nên luôn có mặt người nhà (bố, mẹ, ông, bà…), không nên để người chăm trẻ ở riêng một mình với trẻ, nhất là những trẻ nhỏ chưa biết biểu hiện sự sợ hãi. Cần quan tâm đến cảm xúc của con khi con trẻ đi học về. Và nếu bạn nghi ngờ con bị bạo hành, hãy sắp xếp thời gian đi khám sớm và báo cho bác sĩ biết nghi ngờ của bạn, để bác sĩ khám sàng lọc và chọn lựa những xét nghiệm phù hợp nhất.