Bác sĩ giật mình vì cách sơ cứu đột quỵ đáng sợ, khủng khiếp này

Chính các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng phải giật mình vì cách sơ cứu đáng sợ, đau đớn, và khủng khiếp đối với một cụ ông 70 tuổi .

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ là một bệnh lý ngày càng phổ biến, không chỉ xảy ra ở người có tuổi mà cả người trẻ (dưới 45 tuổi). Càng phát hiện sớm, điều trị kịp thời càng tăng cơ hội phục hồi của người bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế, các bác sĩ vẫn gặp những trường hợp áp dụng những kiến thức truyền miệng sơ cứu đột quỵ hoàn toàn sai lầm.

Bác sĩ giật mình vì cách sơ cứu đột quỵ đáng sợ, khủng khiếp này - 1

Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Trường hợp bệnh nhân mới đây được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một ví dụ cho cách xử trí nguy hiểm của gia đình bệnh nhân.

Bệnh nhân là một cụ ông gần 70 tuổi, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày hoàn toàn bình thường. Đột ngột một ngày, ông bị đột quỵ não tại nhà. Người con trai, trong lúc hoảng loạn, nhớ lại đã nghe đâu đó cách sơ cứu kỳ quặc. Anh đã lấy một con dao sắc cứa tai bố mình để chích máu ra. Sau đó, anh cuống cuồng đi tìm kim để chích máu các đầu ngón tay, nhưng không tìm thấy.

Lúc này, bệnh nhân nhanh chóng được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc mạch lớn. Các bác sĩ tiến hành điều trị tiêu sợi huyết sau khi đánh giá các tổn thương ở tai bệnh nhân không quá nguy hiểm, có thể cầm máu, đồng thời chuyển bệnh nhân tới Trung tâm Đột quỵ, Bạch Mai để lấy huyết khối cơ học.

Chính các bác sĩ cũng phải giật mình vì cách sơ cứu đáng sợ, đau đớn, và khủng khiếp như thế này. Thật may mắn, hiện sức khỏe bệnh nhân hiện cải thiện. Vết thương ở tai sau đó cũng khô sạch và không chảy máu.

Một bệnh nhân hơn 60 tuổi khác ở Hà Nội lại không có được may mắn như trường hợp trên.

Bệnh nhân có thể trạng sức khỏe rất tốt. Gần 6 tháng nay, ông đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện ra loạn nhịp tim hoàn toàn. Để phòng ngừa các biến cố tim mạch, đột quỵ não, bác sĩ kê thuốc sintrom chống đông, giải thích lợi ích nguy cơ và dặn dò ông cần tuân thủ chặt chẽ và tái khám thường xuyên để kiểm soát đạt mục tiêu điều trị.

Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, trong buổi họp mặt một người bạn khuyên ông nên bỏ thuốc vì nguy cơ chảy máu khó cầm do thuốc làm máu loãng. Ông quá sợ hãi nên ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Hậu quả là mới đây, ông được người nhà đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhồi não cấp do tắc động mạch lớn, nguyên nhân là do loạn nhịp tim. Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Điện quang đã áp dụng các biện pháp điều trị tối đa: lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng… Tuy nhiên, tổn thương trên não quá lớn, kèm với bệnh tim phức tạp, nên cơ hội phục hồi của bệnh nhân chỉ được phần nào.

Theo bác sĩ, nếu bệnh nhân tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không bỏ thuốc, đi khám thường xuyên thì có lẽ đã không xảy ra sự việc đáng tiếc này.

PGS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo những điều không nên làm đối với bệnh nhân đột quỵ não đó là:

1. Không cho người bệnh uống thuốc: Khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào. Đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống An cung ngưu hoàng hoàn.

2. Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt.

3. Không để người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não.

Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.