Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Y học thể thao - Bệnh viện Vinmec nhấn mạnh, về cơ bản, chấn thương của cầu thủ Nguyễn Xuân Son là "gãy cẳng chân" sau pha bóng tốc độ cao.
"Đây là cơ chế tự gây sang chấn. Chúng ta cũng từng nghe có những vận động viên chạy marathon, về gần đến đích rồi thì tự nhiên gãy chân. Đây là tình trạng, cơ chế gãy vì mệt mỏi, quá tải", GS Dũng nói.
GS.TS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Y học thể thao - Bệnh viện Vinmec trong ca phẫu thuật chấn thương cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son. Ảnh: NVCC.
Trao đổi về phương án xử lý với chấn thương của Nguyễn Xuân Son, GS.TS Trần Trung Dũng nói "phải cố định lại, lựa chọn phương án đóng đinh nội tủy". "Với những vận động viên, những người có nhu cầu di chuyển, thi đấu với cường độ cao trong tương lai thì sử dụng biện pháp đóng đinh nội tủy bên trong để cố định xương gãy và không mở ổ gãy, không can thiệp vào vùng gãy xương", GS Dũng nói, đồng thời cho biết, phương pháp này có nhiều yếu tố tích cực, như giúp xương liền nhanh, không gây tổn thương thêm các thành phần nuôi dưỡng xương như màng xương, các cơ xung quanh.
GS Dũng cho biết, ban đầu VFF, Câu lạc bộ bóng đá Nam Định có ý định đưa Xuân Son đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản để phẫu thuật, điều trị. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn giữa chuyên gia y tế của đội tuyển từ Thái Lan với chuyên gia Vinmec tại Hà Nội ngay trong đêm 5/1 thì VFF, Câu lạc bộ và gia đình đã quyết định đưa cầu thủ này về Việt Nam để điều trị.
Quyết định này dựa trên lý do, với chấn thương gãy xương, việc phẫu thuật trong vòng 24 giờ đầu tiên, hay còn gọi là "24 giờ vàng" là cực kỳ quan trọng.
"Ở thời điểm này, phần mềm xung quanh chưa bị sưng nề nghiêm trọng, tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình can thiệp phẫu thuật. Nếu để quá 24 giờ, phù nề và tổn thương phần mềm sẽ khiến việc cố định xương gãy trở nên khó khăn hơn, đồng thời tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Với trường hợp chấn thương gãy kín của Xuân Son, cho phép đạt kết quả tốt nhất trong 24 giờ, hoàn toàn kịp khi đưa cầu thủ này về Việt Nam để phẫu thuật", GS Dũng phân tích.
Theo Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Vinmec, đóng đinh nội tủy là kỹ thuật và chỉ định thống nhất trên toàn thế giới để xử lý các trường hợp tương tự. GS.TS Trần Trung Dũng nói "đây không phải là kỹ thuật quá phức tạp, và các bệnh viện có các chuyên khoa sâu về chấn thương, chỉnh hình có thể thực hiện được, thậm chí với các bác sĩ chỉ cần kinh nghiệm vài năm có thể phẫu thuật được rất thuận lợi".
Tuy nhiên, theo GS Dũng, đó là với những người bình thường, giải quyết việc gãy xương để đi lại bình thường. Còn với vận động viên thể thao như trường hợp của Nguyễn Xuân Son, việc phẫu thuật, can thiệp phải làm sao đảm bảo cho vận động viên có cơ hội quay trở lại thi đấu thể thao đỉnh cao.
GS.TS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Y học thể thao - Bệnh viện Vinmec và cầu thủ Nguyễn Xuân Son. Ảnh: NVCC.
Đáng chú ý, GS.TS Trần Trung Dũng cho rằng, ca phẫu thuật thành công mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng thể khả năng thành công của việc điều trị cho Nguyễn Xuân Son trở lại thi đấu đỉnh cao.
"Nếu phẫu thuật chỉ để đi lại trở lại thì cần khoảng 2 tháng nữa coi như thành công, khi đó xương liền lại rồi", GS Dũng nói. Về 90% còn lại quyết định việc thành công trong điều trị, theo GS.TS Trần Trung Dũng nói, phụ thuộc vào duy trì được thể trạng, các khối cơ cho vận động viên; quá trình tập luyện trở lại sau khi xương đã liền lại.
Theo GS Dũng, bệnh viện đã lên các bài tập để Nguyễn Xuân Son duy trì thể lực, duy trì các phần của cơ thể; từ các bài tập đó tính lượng calo cần thiết, đảm bảo vận động viên không tăng cân, vẫn phù hợp với yêu cầu của CLB. "Chế độ ăn phải tính toán từng calo một. Chế độ tập luyện, ăn uống này duy trì trong 4 tuần, có thể thay đổi theo từng ngày. Cứ vài ngày lại phải điều chỉnh các động tác tập luyện của bệnh nhân", GS Dũng chia sẻ.
Cầu thủ Nguyễn Xuân Son tập luyện duy trì thể lực trên giường bệnh. Ảnh: PV.
Theo GS Dũng, hiện tại, Nguyễn Xuân Son đang ở giai đoạn điều trị thứ nhất trong 4 giai đoạn phục hồi. Mục tiêu giai đoạn một là giảm viêm, giảm sưng; duy trì các khối cơ của các phần cơ thể khác. Cùng với đó, kiểm soát cân nặng. Trong 4 tuần đầu, phải đạt các mục tiêu như vậy.
Với người bình thường, khoảng 2 -3 ngày nữa (khoảng 12/1 - PV) là có thể xuất viện. Nhưng với Xuân Son, vẫn duy trì ở trong viện, tập luyện hằng ngày khoảng 6 - 8 tiếng. "Phần chân phẫu thuật thì không cần tập luyện, nhưng các phần khác thì phải duy trì tập luyện. Có kỹ thuật viên của bệnh viện sẽ hướng dẫn cần tập tạ tay khối lượng bao nhiêu, gập bụng bao nhiêu cái... Từ đó, sẽ quy ra lượng calo cần thiết của các bữa ăn", GS Dũng thông tin.
Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Vinmec cũng cho biết, giai đoạn sau tuần thứ 8, khi xương đã liền đóng vai trò rất quan trọng. Vấn đề này, Trung tâm đã đề xuất với VFF cho một ê kíp y học thể thao theo sát từng ngày với Nguyễn Xuân Son để đảm bảo về khối lượng tập luyện và dinh dưỡng để đảm bảo khả năng hồi phục tốt nhất.