Con bị giang mai, bố mẹ không tin mình mắc
Ngày 4/11, TS.BS. Trần Thị Huyền, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bé trai 18 tháng tuổi (dân tộc Mông, trú tại Hà Giang) bị bệnh giang mai, nghi do lây từ mẹ.
Gia đình biết, từ khi sinh ra đến nay bé vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, gần đây phát hiện ở vùng quanh hậu môn của cháu có thương tổn mảng màu trắng xám và ẩm. Gia đình cho rằng, cháu bị viêm da thông thường do vấn đề vệ sinh quần áo, tã vải chưa sạch nên tự điều trị cho bé nhưng không hết. Vì thế, gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm các bác sĩ xác định bệnh nhi bị bệnh giang mai.
Theo bác sĩ Huyền, khi phát hiện trẻ mắc giang mai, các bác sĩ đã khuyên bố mẹ bé đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác định nguồn lây. Tuy nhiên, bố mẹ bé vẫn rất chủ quan cho rằng không có biểu hiện bất thường và bận đi làm nên không đến khám. Các bác sĩ phải chủ động, phân tích rất nhiều lần bố mẹ bé mới đến làm xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, hai vợ chồng đều dương tính với giang mai. Vì thế, bé bị lây bệnh giang mai từ mẹ trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, do các biểu hiện khá kín đáo, ít gặp nên cơ sở tuyến dưới khó phát hiện. Hiện tại, bệnh nhi đang được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Vị chuyên gia da liễu cũng chia sẻ, đây không phải trường hợp duy nhất bố mẹ "không tin" mình mắc bệnh và là nguồn lây truyền cho con cái. Tại bệnh viện, đã có nhiều trẻ sơ sinh được phát hiện bị giang mai mà nguyên nhân là lây từ mẹ.
Trước đó, một bệnh nhi 46 ngày tuổi (nam, ở Hải Dương) cũng bị bệnh giang mai sơ sinh phải lên Hà Nội nhập viện điều trị. Gia đình cho biết, bé là con thứ 2 trong gia đình được mẹ sinh thường ở bệnh viện huyện. Lúc sinh nặng 3kg, bú mẹ hoàn toàn, tăng cân tốt. Sau khi về nhà, bé bị bong da tay, da chân ngay sau sinh. Gia đình lo lắng và nóng ruột nên gia đình đưa bé đến bệnh viện thăm khám.
Tại đây, bác sĩ thấy có hội chứng nhiễm trùng và tổn thương da là các vết bong da tay, chân; Má trái sẩn đỏ, kích thước khoảng 0,5cm; Miệng có tổn thương loét. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến bệnh giang mai bẩm sinh nên chỉ định xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bé bị giang mai bẩm sinh trong sự bất ngờ của gia đình.
Trẻ mắc giang mai qua đường nào?
Theo các bác sĩ, giang mai là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người chủ yếu qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên, hoặc có thể lây truyền qua đường máu. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước trên da, niêm mạc. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là người lớn.
Bệnh giang mai bẩm sinh (tên tiếng Anh là Congenital syphilis) xảy ra khi mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi trong quá trình mang thai, thường xảy ra từ tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ.
Các chuyên gia cũng cho biết, có tới 40% trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh giang mai không được điều trị sẽ bị chết lưu; các biến chứng khác bao gồm đẻ non và nhẹ cân.
Giang mai bẩm sinh sớm: Thường xuất hiện trong 2 năm đầu, nhưng thường gặp nhất vẫn là 3 tháng đầu và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3. Khi đó, trẻ sẽ có các triệu chứng như phỏng nước, bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot, nhẹ cân, tuần hoàn bàng hệ, gan to, lách to,…
Giang mai bẩm sinh muộn: Xuất hiện khi bé trên 2 tuổi và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3 với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ ở trẻ dậy thì, lác quy tụ, điếc cả 2 tai ở trẻ 10 tuổi…
Giang mai bẩm sinh đôi khi không có các triệu chứng trên, chỉ có thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm. Đây là di chứng của Giang mai bẩm sinh do các thương tổn từ trong bào thai đã liền sẹo để lại.
TS. BS. Trần Thị Huyền khuyến cáo, khi mang thai, thai phụ cần thực hiện sàng lọc bệnh giang mai. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai trước tháng thứ 4 - 5 thai kỳ sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.
Ngoài ra, những phụ nữ sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh cao, phụ nữ nhiễm HIV hoặc người có nguy cơ cao nên thực hiện sàng lọc huyết thanh định kỳ trong lần khám thai đầu tiên, khi thai được 28 tuần và khi sinh.