Bé gái nào rồi cũng đến tuổi dậy thì và bỡ ngỡ khi có kinh nguyệt. Mọi việc sẽ thuận lợi hơn cho các bé gái khi được mẹ hoặc người thân hướng dẫn về những thay đổi này, bởi không phải lúc nào mọi dấu hiệu thay đổi đều là sự phát triển tự nhiên của cơ thể. Có những dấu hiệu lại cảnh báo bệnh mà trẻ cần được theo dõi và đi khám ngay, trong đó có cả bệnh ung thư.
13 tuổi, Tiểu Yên, sống tại Hàng Châu, Trung Quốc, đã có kinh nguyệt. Vào một ngày cuối tháng 9, Tiểu Yên bỗng cảm thấy đau bụng khi đang trong lớp thể dục. "Có phải là con lại bị kinh nguyệt nên mới đau bụng không?", Tiểu Yên đã vội càng đi tìm cô giáo để hỏi.
Sau khi biết về cơn đau bụng không thể giải thích được của Tiểu Yên, giáo viên và cha mẹ bé đã vô cùng thận trọng và đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra cẩn thận. Kết quả cuối cùng khiến mọi người vô cùng bất ngờ, đó không phải là do kinh nguyệt mà là do Tiểu Yên có một khối u ở tuyến tụy. Trường hợp của Tiểu Yên khiến mọi người lo lắng và xót xa, bởi u tuyến tụy rất hiếm gặp ở trẻ em. Nếu điều trị bằng phẫu thuật sẽ là một ca mổ khó và để lại sẹo mổ lâu ngày trên bụng.
Cuối cùng, gia đình tìm đến Bệnh viện Shulan (Hàng Châu) và Tiểu Yên được đưa vào khoa phẫu thuật gan mật và tuyến tụy. Sau khi làm các xét nghiệm liên quan, Tiểu Yên được chẩn đoán có u đặc giả nhú ở tụy. Khối u có đường kính 2-3cm và nằm ở đuôi tụy, dính thận và lá lách. Nhưng rất may, khối u này là khối u ác tính cấp độ thấp, nếu được phẫu thuật cắt bỏ ở giai đoạn sớm thì khả năng hồi phục sau mổ vẫn tốt.
Về kế hoạch phẫu thuật, Viện sĩ Trịnh Thụ Sâm đã chủ trì tổ chức các vòng hội chẩn và phẫu thuật. Vì phẫu thuật tụy ở trẻ em sẽ cần phẫu thuật sâu, vết mổ lớn, thăm dò phẫu thuật khó, rủi ro lớn hơn người lớn nên Viện sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật nội soi qua ổ bụng cho Tiểu Yên.
Các bác sĩ đã cẩn thận bóc tách khối u từ lá lách kế cận, cắt bỏ thân tụy và khối u đuôi cùng các tuyến thượng thận xâm lấn vào mô tụy tương đối mỏng manh, và các vết khâu trên tuyến tụy giống như thêu trên đậu phụ. "May mắn thay, sau hơn 2 giờ căng thẳng, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khối u đã được cắt đưa ra ngoài qua lỗ nhỏ ở rốn. Vết sẹo sau mổ được giấu trong nếp gấp của rốn và hầu như không được chú ý", bác sĩ cho biết.
Trên thực tế, đây là một dạng "khối u con gái" hiếm gặp, thường chỉ được phát hiện khi nó phát triển rất lớn. Sở dĩ gọi là "khối u con gái" là vì đây là loại u biểu mô tuyến tụy có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhưng lại rất hay mắc phải ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ.
Về cơ bản, khối u này được coi là một khối u ác tính cấp độ thấp, khả năng di căn xa hiếm khi xảy ra. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của tuyến tụy. Khó khăn của phẫu thuật nằm ở việc loại bỏ khối u cùng một lúc. Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhắc nhở mọi người phải chú ý đến một số tình trạng sức khỏe như bệnh dạ dày, đau bụng, tắc đường tiêu hóa... Nên đi khám để xem đó có phải là vấn đề về tuyến tụy hay không và có hướng xử lý kịp thời.
U đặc giả nhú của tụy được xếp vào nhóm các khối u nang của tụy
Nguồn gốc khối u còn nhiều tranh cãi. Khối u được cho là có khả năng ác tính thấp, tỷ lệ tái phát và di căn rất nhỏ. Khối u này rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1-2% các khối u tụy ngoại tiết, từ năm 1959 khi ca đầu tiên được thông báo cho tới nay có khoảng hơn 700 ca được ghi nhận trên y văn thế giới.
Triệu chứng lâm sàng của u đặc giả nhú không rõ ràng
Biểu hiện thường gặp nhất của khối u này là đau bụng và sờ thấy khối ở bụng. Có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn. Bệnh nhân thường không có tiền sử đái tháo đường hoặc biểu hiện thiếu hụt tụy ngoại tiết. Đôi khi khối u không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ bởi các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Các triệu chứng cấp tính do thiếu máu, tắc nghẽn hoặc chảy máu trong ổ bụng do vỡ khối u rất hiếm gặp.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u đặc giả nhú là phương pháp điều trị tốt
U đặc giả nhú của tụy được coi là khối u có tiềm năng ác tính hay độ ác tính thấp, do đó về logic phẫu thuật, cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị tốt. Mặc dù khối u được coi là có độ ác tính thấp và phẫu thuật cắt bỏ khối u thông thường là triệt căn, tuy nhiên rất nhiều thông báo cho thấy có tỷ lệ di căn xa và tái phát sau mổ có thể xảy ra. Do đó bệnh nhân cần theo dõi định kỳ sau phẫu thuật.