Huân Huân năm nay 5 tuổi (Trung Quốc), vì cơ thể vốn đã ốm yếu từ khi còn nhỏ nên gia đình chăm sóc cô bé rất chu đáo. Sau ngày hạ chí (21/6), khi thời tiết nóng nhất, bà của Huân Huân dùng đậu nành để làm rất nhiều mầm đậu nành cho gia đình ăn. Trong mấy ngày đó, hầu như ngày nào cả nhà cũng nhìn thấy mầm đậu nành trên bàn ăn, và đương nhiên cô bé cũng ăn rất nhiều.
Trong vòng một tuần, Huân Huân bắt đầu bị sốt kèm theo buồn nôn và nôn mửa cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác. Gia đình cho rằng con chỉ bị tiêu chảy thông thường nên không quan tâm lắm, tự ý cho cô bé uống thuốc tiêu hóa.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau 3 ngày, các triệu chứng của Huân Huân không những không được cải thiện, mà thậm chí còn xuất hiện tình trạng co giật và hôn mê. Lúc này, gia đình mới nhận ra vấn đề và đưa cô bé đến bệnh viện. Đáng tiếc là lúc này tình trạng bệnh của cô bé đã quá nặng trước khi được cấp cứu, khiến cho cô bé tử vong không lâu sau đó.
Được biết, khi sự việc chưa xảy ra, sức khỏe của Huân Huân ở mức tốt, tại sao lại có thể đột nhiên xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng như vậy? Sau khi kiểm tra thực phẩm mà gia đình đã ăn, người ta kết luận rằng thủ phạm chính là mầm đậu nành bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Salmonella không hiếm gặp trên bàn ăn của mỗi gia đình
Khi chúng ta nghĩ rằng Salmonella không khủng khiếp, và thậm chí còn thầm may mắn là chúng ta chưa bao giờ gặp phải Salmonella thì có thể nó vẫn đang âm thầm hiện hữu trên bàn ăn của nhiều gia đình và thậm chí gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm!
Vào ngày 11/7 năm ngoái (2020), một gia đình 4 người ở Thành Đô (Trung Quốc) đã bị sốt, buồn nôn và nôn sau khi ăn trứng bảo quản lạnh. Trong đó, tình trạng của nam chủ nhân nghiêm trọng nhất, thân nhiệt lên tới 40 độ C. Và chính vi khuẩn Salmonella trong trứng bảo quản đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm này!
Vào tháng 9/2020, sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến nhiễm khuẩn Salmonella tại 1 trường mẫu giáo ở Thành Đô đã gây ra vụ ngộ độc tập thể cho 30 trẻ nhỏ và 4 giáo viên.
Salmonella là một trong những mầm bệnh phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm, có thể xuất hiện trong thịt gia súc, trứng, sữa, thịt gia cầm và các sản phẩm đậu nành mà chúng ta thường ăn. Điều quan trọng cần lưu ý là ngoài các nguồn thực phẩm trên, những bệnh truyền qua thực phẩm do thủy sản nhiễm khuẩn Salmonella cũng liên tục xảy ra trong những năm gần đây.
Hình ảnh người đàn ông trong gia đình 4 người ở Thành Đô (Trung Quốc) bị nhiễm Salmonella
Ngoài ra, do vi khuẩn Salmonella không phân hủy protein nên thực phẩm trông gần như không thay đổi sau khi bị nhiễm khuẩn nên rất khó phát hiện. Salmonella có khả năng chống chịu rất tốt với môi trường bên ngoài, có thể tồn tại gần 3 tuần trong nước và đất, 1-2 tháng trong phân, thậm chí trong thịt đông lạnh, Salmonella có thể sống được 2-3 tháng.
Nhiệt độ sinh sản thích hợp nhất của Salmonella là 37 độ C, nó sẽ sinh sôi khi nhiệt độ đạt 20 độ C. Vì vậy, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella tăng cao nhất. Môi trường sinh trưởng tốt nhất cho giá đỗ mà gia đình Huân Huân đã ăn ở trên là 15-32 độ C, đây cũng là nhiệt độ rất thích hợp cho vi khuẩn Salmonella sinh sản.
Mặc dù mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho Salmonella sinh sôi nhưng nó lại không chịu được nhiệt độ cao và các chất khử trùng. Nó sẽ bị tiêu diệt nếu đun nóng ở 65 độ C trong 15-20 phút, và sẽ chết ngay lập tức ở 100 độ C.
Tuy nhiên, nhiều người thích ăn các món nguội vào mùa hè hoặc lại thức ăn thừa mà không đun lại từ bữa trước, những thói quen này chính là con đường tốt cho sự lây lan của vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, việc ăn sống hoặc tái mà nhiều người yêu thích cũng khó đảm bảo rằng vi khuẩn Salmonella đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Triệu chứng do Salmonella gây ra giống tiêu chảy thông thường
Salmonella có thể gây bệnh cho bất kỳ ai, từ đàn ông, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ. Dù cơ thể bạn có tốt đến đâu và sức đề kháng có mạnh mẽ thế nào thì bạn vẫn có thể bị vi khuẩn Salmonella "hạ gục". Salmonella có thể gây viêm dạ dày ruột cấp tính với thời gian ủ bệnh nói chung là 12-36 giờ, và quá trình của bệnh sẽ kéo dài từ 4-7 ngày. Trong giai đoạn này, các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và sốt có thể xảy ra. Khi các triệu chứng nặng dần lên sẽ gây mất nước, sốc, thậm chí tử vong.
Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi, cũng như những người bị suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng hơn và dễ bị các biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm Salmonella. Vì vậy, nếu những người này có các triệu chứng nêu trên thì phải đi khám và điều trị kịp thời.
5 lưu ý để tránh nhiễm khuẩn Salmonella
Dưới đây là 5 điểm chính về an toàn thực phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo được bác sĩ y khoa Xu Wu thuộc Đại học California (San Francisco, Mỹ) đưa ra:
1. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Thường xuyên rửa tay trước và trong khi chế biến thực phẩm; các dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm phải được làm sạch và khử trùng kịp thời.
2. Tách thực phẩm riêng sống và chín
Thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống phải được tách biệt với các thực phẩm đã nấu chín; đồng thời, sử dụng dụng cụ riêng đối với 2 loại thực phẩm sống và chín (thớt, dao...).
3. Hạn chế tối đa tiêu thụ thực phẩm sống, tái
Bất kể thực phẩm nào cũng nên được nấu chín trước khi ăn, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản… Thực phẩm đã nấu chín chưa ăn hết cần được bảo quản lạnh kịp thời, khi mang ra sử dụng trong lần tiếp theo phải đun kỹ ở nhiệt độ cao. Không nên ăn thịt sống vì điều này không chỉ làm tăng khả năng nhiễm khuẩn Salmonella mà làm bạn phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.
4. Nhiệt độ an toàn
Tốt nhất không nên bảo quản thực phẩm đã nấu chín quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng; nên bảo quản thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh kịp thời, không bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh.
5. Nguyên liệu thực phẩm
Chú ý chọn những thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh, không ăn những thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
Ngoài ra, bác sĩ Xu Wu cũng nhắc nhở mọi người rằng mùa hè rất dễ bị khát, nhưng đừng uống nước ao, suối, hồ, nước biển, nước máy… vì những nơi này là nơi ẩn náu yêu thích của Salmonella!
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline