Là một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Xu Wu, công tác tại Bệnh viện liên kết thứ nhất của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từng chứng kiến rất nhiều ca nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Trong số đó, ca bệnh của 1 bé gái 7 tuổi ở Chiết Giang (Trung Quốc) là 1 trong những trường hợp khiến bác sĩ Xu Wu ấn tượng và xót xa nhất.
Theo lời ông kể, mẹ bé gái này đã ngâm mộc nhĩ, sau đó làm món mộc nhĩ hầm để tẩm bổ cho cả nhà. Những người sống ở miền Nam Trung Quốc thường rất thích món này vì cho rằng đây là thực phẩm siêu bổ dưỡng. Tuy nhiên vào ngày hôm sau, bé gái bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy.
Gia đình cô bé cho rằng đó là triệu chứng của đau dạ dày, có thể tự khỏi nên đã bỏ qua mà không hề mảy may 1 chút nghi ngờ đến món ăn mà bao đời cha ông yêu thích kia. Không ngờ ngày hôm sau, các thành viên khác trong nhà lần lượt xuất hiện các triệu chứng tương tự.
Lúc này, tất cả mọi người mới hoảng loạn vì nhận ra đây có thể là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, liền vội vàng đến bệnh viện gần đó.
Tuy nhiên, khi đến được bệnh viện cũng là lúc tình trạng sức khỏe của cô bé đã chuyển biến xấu. Khi vào phòng cấp cứu, cô bé xuất hiện các triệu chứng suy gan và trong trạng thái hôn mê, các bác sĩ buộc phải chuyển bé đến 1 bệnh viện lớn với trang thiết bị y tế hiện đại hơn ngay trong đêm.
Tại bệnh viện trung ương, tình trạng suy đa tạng của cô bé tiến triển mất kiểm soát, mặc dù đã được hỗ trợ máy thở và các bác sĩ phải thực hiện thay huyết tương 4 lần nhưng tình trạng vẫn không khả quan.
Bác sĩ Xu Wu cho biết, trên lâm sàng, nếu một bệnh nhân bị suy 4 cơ quan nội tạng thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Trong khi đó, cô bé mới 7 tuổi nhưng đã bị suy 5 tạng, hy vọng được cứu sống gần như không còn.
Ông kể thêm, xét nghiệm cho thấy mộc nhĩ mà gia đình này ngâm quá lâu, dẫn tới sản sinh ra các loại độc tố aflatoxin và Pseudomonas. Điều đáng tiếc là gia đình đã bỏ lỡ thời gian điều trị, dẫn đến không thể cứu vãn và để lại sự hối hận ám ảnh suốt quãng đời còn lại cho cả gia đình.
Bác sĩ: hãy cẩn trọng với 4 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc vào mùa hè
Bác sĩ Xu Wu cho biết, không chỉ mộc nhĩ mà nấm khô, váng đậu và tảo bẹ khô… nếu ngâm quá lâu cũng có thể sinh ra độc tố aflatoxin và các độc tố sinh học khác. Các độc tố này không thể phân hủy ở nhiệt độ cao nên dù nấu chín vẫn có thể gây nguy hiểm, thậm chí là chết người nếu không xử lý kịp.
Nguy hiểm nhất là khi bị ngộ độc thực phẩm, những triệu chứng ban đầu rất giống với bệnh vặt nên mọi người thường chủ quan, vì vậy tốt nhất là nên bổ sung kiến thức để tránh chế biến sai lầm. Vì vậy, hãy cẩn trọng khi chế biến 5 loại thực phẩm sau đây:
1. Nấm dại
Các nước thuộc vùng nhiệt đới rất đa dạng về các loại nấm dại, nhưng đa số là nấm độc. Các loại nấm độc thường chứa các chất độc như peptid độc, agarin, muscarin, dẫn xuất isoxazole, thymidine...
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là nhiều loại nấm độc trông giống như nấm thường, rất khó để phân biệt. Tốt nhất bạn hãy tránh xa các loại nấm màu sắc sặc sỡ và chỉ nên ăn các loại nấm được cấp phép kinh doanh, kiểm định trên thị trường.
2. Đậu lăng nấu chưa chín hẳn
Đậu lăng có chứa chất ức chế hemagglutinin, saponin và trypsin, các chất độc thực vật tự nhiên này có khả năng kích ứng mạnh đối với đường tiêu hóa của con người. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, trường hợp nặng có thể gây sốc và tê liệt đường hô hấp.
May mắn là các chất này có thể bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên chỉ cần nấu chín hoàn toàn là có thể đảm bảo an toàn.
3. Giăm bông
Vào mùa hè, giăm bông có thể bị nhiễm vi khuẩn như Staphylococcus aureus nếu bảo quản nhiều ngày, vượt quá thời gian mà nhà sản xuất quy định. Nhiễm khuẩn này có thể gây ra suy đa tạng cực kỳ nguy hiểm, không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.
Bác sĩ Xu Wu khuyến cáo nên để giăm bông vào hộp sau đó mới cất vào tủ lạnh. Trước khi ăn, cần kiểm tra xem bề mặt thực phẩm có bị thâm đen hay chảy nước, có mùi lạ hay không.
4. Canh để trong tủ lạnh lâu
Bất kể đó là súp, canh thịt hay cá, nếu nó được đặt trong tủ lạnh mà không có nắp đậy có thể tạo ra chất độc botulinum. Càng để lâu trong tủ lạnh, botulinum càng nhiều. Vì vậy các món súp phải đậy kín để trong tủ lạnh, và không để quá 1 ngày.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Eat This, QQ