Lan Lan sinh ra và lớn lên ở 1 vùng quê nghèo tại Quý Châu, Trung Quốc. Giống như rất nhiều những cô gái khác trong làng, cô cố gắng lắm mới được học hết cấp 3, sau đó kết hôn theo sự sắp đặt của bố mẹ khi chưa đủ 20 tuổi.
Sau đó, cô cùng chồng đến Chiết Giang tìm việc và trở thành công nhân cho 1 xí nghiệp nhỏ. "Trẻ người non dạ" giữa thành phố xô bồ nhộn nhịp, lại thêm áp lực chuyện con cái, công việc cực nhọc nhưng nhàm chán cứ lặp đi lặp lại qua ngày khiến Lan Lan không còn là cô gái vui tươi, năng động khi trước nữa.
Cuộc sống mưu sinh vất vả, lại từng bị sảy thai đến 2 lần trong chưa đầy 1 năm sau kết hôn, sức khỏe của cô cũng vì thế mà bị ảnh hưởng không ít.
May mắn thay, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với cô gái trẻ khi cô mang thai lần thứ 3 và sinh được 1 bé trai kháu khỉnh. Những tưởng, cuộc sống của gia đình nhỏ cứ thế mà êm đềm trôi qua, nhưng chẳng bao lâu Lan Lan nhận tin dữ là mình bị ung thư cổ tử cung.
Trong đợt khám sức khỏe tập trung của toàn bộ công nhân xí nghiệp, bác sĩ phát hiện Lan Lan có tế bào cổ tử cung bất thường nên khuyên cô đến bệnh viện lớn để khám chuyên sâu. Cô kể lại: khi nhận được kết quả khám, tôi hoàn toàn chết lặng. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào dòng thông báo, đọc đi đọc lại. Tôi mới 22 tuổi làm sao có thể đã mắc bệnh ung thư, thật sự rất khó chấp nhận.
Căn bệnh quái ác đột ngột ập đến khiến cả gia đình Lan Lan chìm trong cảnh mù mịt. Là 1 người mẹ, Lan Lan mạnh mẽ đối mặt, cô tự động viên mình phải tích cực điều trị mới có hy vọng, vì vậy cô đã đến khoa Phụ sản của Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang để chữa bệnh.
Bác sĩ Hu Jinghui, Phó trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang cho biết: chúng tôi cũng rất buồn khi gặp phải những bệnh nhân trẻ tuổi như vậy. Xét về độ tuổi cũng như tình trạng hiện tại và tính đến những khó khăn trong tương lai, Khoa Phụ sản đã tổ chức hội chẩn tổng quát, đồng thời bố trí phẫu thuật cắt bỏ chóp cổ tử cung.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Lan Lan là bệnh nhân ung thư cổ tử cung trẻ nhất được điều trị tại bệnh viện này. Tảo hôn, quan hệ tình dục sớm khi chưa đầy 20 tuổi, sảy thai 2 lần, sinh con khi còn quá trẻ và thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh cơ quan sinh dục, đặc biệt là sau khi bị tổn thương hay sinh đẻ là những nguyên nhân chính khiến cô mắc bệnh ở tuổi 22.
May mắn là bệnh ung thư cổ tử cung của cô mới ở giai đoạn đầu, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, các bác sĩ cũng cố gắng hết sức để bảo tồn tử cung, bảo toàn chức năng sinh sản cho cô. Sau thời gian nằm viện để theo dõi, Lan Lan được trở về nhà với tình trạng sức khỏe tốt, không có bất kỳ biến chứng hậu phẫu nào.
Bác sĩ: ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa đến 96%
Ung thư cổ tử cung được mệnh danh là căn bệnh giết chết sức khỏe phụ nữ đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung, và khoảng 90% trong số đó đến từ các nước đang phát triển, các nước nghèo.
Trên thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung trẻ ở độ tuổi dưới 35 và đang có xu hướng trẻ hóa hơn nữa. Phần lớn họ không có điều kiện học hành đầy đủ, thiếu ý thức vệ sinh, không biết cách tự bảo vệ mình hoặc sinh hoạt tình dục bừa bãi.
Ở những vùng nông thôn, những nước kém phát triển, tục tảo hôn, sinh con sớm, sinh đẻ nhiều và không khám phụ khoa thường xuyên đã khiến tỷ lệ bệnh nhân ung thư cổ tử cung cao hơn nhiều so với đô thị và các nước phát triển.
Để phòng chống căn bệnh đáng sợ này, trước hết chúng ta cần hiểu các nguyên nhân gây ra nó để tránh. Nhiễm virus HPV chiếm tới trên 70% nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung, ngoài ra nhóm nguy cơ cao bao gồm:
- Quan hệ với nhiều người.
- Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, dưới 20 tuổi.
- Mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần.
- Sinh đẻ nhiều lần (trên 3 lần), đặc biệt là sinh thường.
- Hút thuốc lá.
- Uống thuốc tránh thai trong thời gian dài hoặc bị chứng suy giảm miễn dịch.
Một số yếu tố khác như: vệ sinh cá nhân kém, lạc nội mạc tử cung, nhiễm chlamydia…
Bác sĩ Li Xiao Mao, Trưởng khoa Khoa Phụ sản tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) cũng khẳng định tình trạng nhiễm virus HPV và mắc ung thư cổ tử cung ở nước này đang trẻ hóa "thần tốc".
Ông khuyên nữ giới từ 9 - 15 tuổi nên tiêm vắc xin, đây là biện pháp chủ yếu để giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai. Vì nữ giới dưới 15 tuổi đa số chưa quan hệ tình dục nên mức độ biểu hiện kháng thể được tạo ra sau khi chủng ngừa cao hơn, có thể có được sự bảo vệ tốt hơn.
Ở Trung Quốc, ngày 22/7 vừa qua đã chính thức đưa loại vắc xin HPV 14 hóa chất đầu tiên trên thế giới vào các bệnh viện, phòng khám trên diện rộng. Vắc xin này bao gồm tất cả 12 loại vi rút HPV gây ung thư nguy cơ cao do WHO công bố và 2 loại vi rút HPV gây bệnh u nhú acuminatum.
So với các loại vắc xin trước đây, nó bổ sung thêm 5 phân nhóm bảo vệ virus đưa tỷ lệ bảo vệ khi tiêm vắc xin từ 90% lên đến 96%. Đặc biệt, nếu đã từng tiêm các loại vắc xin phòng HPV trước đó, bạn vẫn có thể tiêm thêm loại vắc xin này để đảm bảo an toàn.
Nguồn và ảnh: QQ, WHO, Healthline