Khoảng vài năm trở lại đây, các thông tin về việc trẻ dậy thì sớm xuất hiện rất nhiều. Nguyên nhân lại bắt nguồn từ những loại thực phẩm tưởng chừng như vô hại mà trẻ vẫn ăn hàng ngày. Điều đáng nói là trong chế độ ăn của trẻ nhỏ cần hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm giàu estrogen, chẳng hạn như mật ong, đậu nành, đồ chiên rán... Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh chú ý tới điều này nên vô tình khiến con nhỏ ăn phải, dẫn đến tình trạng dậy thì sớm khi chưa đến tuổi.
Bà Kế Linh (Trung Quốc) kể về trường hợp cô con gái Tiểu Chu (6 tuổi) đã có bộ ngực phát triển lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vì nghe nói uống nhiều nước mật ong có thể nâng cao thể chất, cải thiện đề kháng nên bà Kế Linh thường chuẩn bị nước mật ong cho con gái uống mỗi sáng. Do sức khỏe của Tiểu Chu khá yếu, thường xuyên bị cảm nên mẹ cô bé còn mua cả sữa ong chúa để con mang tới trường uống.
Sau 3 tháng uống nước mật ong liên tục, bà Kế Linh không ngờ ngực của Tiểu Chu phát triển lớn hơn so với độ tuổi của cô bé. Tiểu Chu nói với mẹ rằng cô bé thấy ngực trái sờ vào hơi căng cứng như đang có khối u. Quá lo lắng trước tình trạng của con mình, bà Kế Linh vội vàng đưa con gái đến khám tại khoa nội tiết nhi của Bệnh viện Nhị Châu.
Qua các xét nghiệm kiểm tra, cuối cùng bác sĩ chẩn đoán Tiểu Chu dậy thì sớm. May mắn là sau 1 tháng điều chỉnh chế độ ăn uống và điều trị bằng thuốc uống, các triệu chứng dậy thì sớm của Tiểu Chu đã được cải thiện đáng kể, khối u trên ngực trái cô bé cũng biến mất.
Vì sao uống mật ong lại khiến bé gái dậy thì sớm?
Mặc dù mật ong có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể nhưng nó lại không phù hợp với đối tượng trẻ dưới 10 tuổi. Giải thích cho điều này, các chuyên gia sức khỏe cho rằng, trong mật ong có hàm lượng hormone nhất định, uống liên tục trong thời gian dài sẽ khiến các bé gái dậy thì sớm. Đặc biệt là sự tăng kích cỡ vòng 1 và nguy cơ xuất hiện sớm của kinh nguyệt. Ngoài mật ong thì sữa ong chúa cũng chứa nhiều kích thích tố nữ. Vì vậy, nếu dùng nhiều loại thực phẩm này sẽ làm thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể.
Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, người lớn không nên cho bé gái dưới 6 tuổi sử dụng mật ong thường xuyên. Dưới 12 tháng tuổi càng không nên cho trẻ nhỏ uống mật ong, dù chỉ là 1 thìa. Nếu bé ngoài 1 tuổi thì thỉnh thoảng dùng một ít, nhưng trên 10 tuổi mới có thể sử dụng nhiều hơn.
Dậy thì sớm nguy hiểm thế nào?
Theo Ths.BS Vũ Hiền Trinh (Trưởng khoa Nội tiết Sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương), khi trẻ bị dậy thì sớm sẽ kéo theo việc phát triển tâm lý sinh dục sớm và dễ dẫn tới quan hệ tình dục, mang thai sớm, tăng nguy cơ bị lạm dụng xâm hại tình dục.
Dậy thì sớm cũng ảnh hưởng tới việc phát triển chiều cao ở trẻ. Trẻ thường không đạt được chiều cao trung bình của cha mẹ. Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau.
Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
Trẻ bị dậy thì sớm có thể gặp phải các rối loạn tâm lý: trẻ mặc cảm, lo lắng, tự kỉ... Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ. Ngoài ra, dậy thì sớm cũng có thể làm tăng nguy cơ K vú ở tuổi trưởng thành.
Nguồn và ảnh: Sohu, Sina, News, Bệnh viện Nội tiết Trung ương