Trong quá trình dùng thuốc trị bệnh, nhiều người gặp các tác dụng phụ của thuốc. Đôi khi các tác dụng phụ này khiến người bệnh rất khó chịu, khổ sở. Chả hạn như, thuốc trị tăng huyết áp thường gây một số tác dụng phụ cho người dùng, gây tắc nghẽn đường hô hấp trên và gây ho mạn tính dai dẳng. Đây là chia sẻ của ThS.BS Vũ Đình Hưng, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Thuốc điều trị huyết áp có thể là nguyên nhân gây nên những cơn ho dai dẳng (ảnh chỉ nhằm mục đích minh họa).
Các nhóm thuốc hạ huyết áp có thể gây ho
Tác dụng phụ gây ho khan của thuốc hạ huyết áp thường tập trung ở ba nhóm thuốc là: nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, benazepril, lisinopril), nhóm thuốc chẹn bêta (propranolol, nadolol, metoprolol, atenolol…) và nhóm thuốc chẹn kênh calci (nifedipin, nicardipin, amlodipin…).
Nhóm thuốc ức chế men chuyển , gồm: captopril, enalapril, benazepril, lisinopril... Thuốc làm giãn mạch máu, giúp tim dễ dàng bơm máu qua mạch máu, tác dụng hạ huyết áp tốt, làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch và cải thiện chức năng thận. Đây là một điều mà các nhà điều trị luôn mong muốn. Thuốc có thể gây ho mà không phụ thuộc vào liều dùng. Nghĩa là nếu như ai đó đã mẫn cảm với thuốc thì có thể bị ho ngay từ liều hết sức thông thường. Sau khi đã bị ho, người bệnh cũng không ho tăng thêm khi tăng liều điều trị. Nhưng chỉ cần dừng thuốc từ 3-5 ngày là cơn ho tự hết. Một số trường hợp ho kéo dài và phải sau 2 tháng ngừng thuốc, cơn ho mới chấm dứt hẳn.
Nhóm thuốc chẹn bêta gồm: propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol...có thể gây ho khan. Thuốc dùng tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp có kèm đau thắt lưng, ngực hoặc nhức nửa đầu. Thuốc chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm. Đa số thuốc chẹn bêta không chỉ ức chế thụ thể bêta-1 chọn lọc tác động trên tim mạch mà còn ức chế thụ thể bêta-2 gây co thắt phế quản. Cho nên nhiều thuốc chẹn bêta ngoài hạ huyết áp có thể gây phản xạ ho (do co thắt phế quản, chính vì vậy người bị hen là đối tượng tuyệt đối không được dùng thuốc chẹn bêta). Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn bêta ít hơn so với thuốc ức chế men chuyển, nhưng gây nhiều phiền toái cho người sử dụng.
Nhóm thuốc chẹn kênh calci (còn gọi thuốc đối kháng calci), gồm: nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem... Các thuốc nhóm này dùng tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể. Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn calci thấp, khoảng 1- 6%. Đặc biệt, đây là thuốc thường phối hợp với thuốc ức chế men chuyển trị tăng huyết áp nên phản xạ ho gây ra phần nhiều bởi thuốc ức chế men chuyển chứ không phải do thuốc chẹn kênh calci. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây ho của thuốc chẹn calci cũng cần ghi nhận để bệnh nhân nắm được và tránh việc bỏ thuốc điều trị giữa chừng tùy tiện.
Khi khẳng định là ho do thuốc , bác sĩ sẽ cho dùng liều thấp nhất có hiệu quả, hoặc đổi thuốc điều trị khác phù hợp hơn.
Bị ho do thuốc , bạn nên làm gì?
Không ít trường hợp gặp biến chứng ho do thuốc điều trị tăng huyết áp đã phải uống oan rất nhiều kháng sinh, thuốc ho, xông họng vì cứ ngỡ bị ho do viêm họng hoặc co thắt phế quản, mà các cơn ho vẫn không dứt. Đáng ngại hơn, khi bị ho nhiều người bệnh dùng thuốc long đờm, khiến cơn ho ngày càng dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt.
Khi đã loại trừ các yếu tố gây ho khác, khẳng định là ho do thuốc điều trị huyết áp, bác sĩ sẽ cho dùng liều thấp nhất có hiệu quả, hoặc đổi thuốc điều trị khác phù hợp hơn. Ngoài việc thay thế thuốc, bác sĩ còn hướng dẫn người bệnh các biện pháp làm giảm các yếu tố tiềm tàng kích thích phản xạ ho ở đường hô hấp. Một điều đặc biệt lưu ý là người bệnh không được tự ý bỏ thuốc trị tăng huyết áp đang dùng, vì người bị tăng huyết áp rất cần dùng thuốc đều đặn để kiểm soát, nếu ngưng dùng thuốc, huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm.