Ngày 13-7, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi nữ (8 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) đến khám và nhập viện do có biểu hiện viêm da, nổi nhiều bóng nước kèm đau rát vùng cánh tay phải nghi do bỏng sứa.
Theo lời gia đình, mấy ngày trước bé có tắm biển mà không biết thời điểm này là mùa có nhiều sứa biển. Sau khi lên bờ, bé cảm thấy da vùng cánh tay phải hơi nóng và đau rát. Sau đó, vùng da này tiếp tục nổi những mảng đỏ và bóng nước gây căng, đau nhiều hơn.
Điều trị tại bệnh viện địa phương không giảm, bé được gia đình chuyển đến khám tại BV Da Liễu TP.HCM. Ghi nhận lúc thăm khám, vùng cánh tay phải của bé có nhiều bóng nước, vết tích bóng nước rỉ dịch, nhiều chỗ đau rát.
Bé được nhập viện điều trị và cho dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc thoa tại chỗ. Sau một tuần theo dõi, da bé không nổi thêm các bóng nước mới, các vết trợt da khô, da lành nhiều và ổn định. Bé được cho xuất viện, tiếp tục điều trị và theo dõi tại nhà.
Vùng da bé gái lúc mới nhập viện và sau điều trị một tuần sau khi tiếp xúc sứa biển. Ảnh: BVCC
ThS-BS Dương Lê Trung - Khoa Lâm sàng 1, BV Da Liễu TP.HCM cho biết bé bị viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính. Đây là một loại phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh từ môi trường bên ngoài, ở đây cụ thể là nọc độc từ sứa biển.
Biểu hiện bệnh thường xảy ra sớm, sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Triệu chứng bao gồm cảm giác châm chích, ngứa, đau rát, đỏ da, sau đó xuất hiện các mụn nước, bóng nước, trợt da. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tình trạng bội nhiễm vi trùng ở vùng da bệnh.
Cũng theo ThS-BS Dương Lê Trung, khi bị sứa biển cắn, người dân cần nhanh chóng rời khỏi vùng nước có sứa. Sau đó là rửa vết thương bằng nước sạch, giữ vệ sinh vùng da bệnh.
Người bị kích ứng có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng, thoa dưỡng ẩm để làm dịu da. Nếu tình trạng da không cải thiện sau vài ngày hoặc ngày càng lan rộng, đặc biệt nếu vết bỏng sứa nặng thì bệnh nhân nên đến khám và điều trị sớm tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.
BS Lê Trung lưu ý bệnh nhân không nên chườm đá, chườm nước nóng, đắp lá cây, chà cát ở bãi biển hay sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng khác vì có thể sẽ làm vết thương kích ứng hoặc nhiễm trùng nặng hơn.
“Mùa hè đến, mùa du lịch biển tăng cao. Do vậy, khi đi tắm biển người dân phải chú ý tìm hiểu kỹ thông tin về bãi biển. Mọi người nên hỏi người dân địa phương về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa để chủ động phòng tránh và chuẩn bị thuốc mang theo trước khi đi du lịch” - BS Trung khuyến cáo.