Hồi giữa tháng 10, bé được xuất viện sau hơn ba tháng nhập viện.
Tháng 7/2024, gia đình bé Tiểu Miểu cắt móng tay cho em, vô tình làm trầy xước da. Vết xước ban đầu chỉ hơi đỏ, nhưng vài ngày sau lan rộng ra nhiều ngón tay. Bé bắt đầu bị tiêu chảy, phát ban đỏ khắp người, da bong tróc khi chạm vào. Tình trạng của bé ngày càng xấu đi, biểu hiện sốt cao, co giật và mất ý thức.
Rạng sáng 22/7, Tiểu Miểu được chuyển đến khu hồi sức tích cực nhi (PICU) của Bệnh viện Đại học Hạ Môn trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.
Nguyên nhân là nhiễm liên cầu khuẩn, loại vi khuẩn gây ra hội chứng sốc nhiễm độc, thường được gọi là "nhiễm trùng ăn thịt người", có tỷ lệ tử vong lên đến 60%.
Tại PICU, các bác sĩ đối mặt nhiều khó khăn khi điều trị cho Tiểu Miểu. Quá trình đặt catheter tĩnh mạch gặp trở ngại do mạch máu của bé quá nhỏ, da bị tổn thương. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật cao và sử dụng siêu âm định vị, đội ngũ y tế đã cuối cùng có thể hoàn thành thủ thuật y khoa này.
Minh họa bấm móng tay cho trẻ em. Ảnh: Studio Memoir
Sau khi điều trị kháng sinh, lọc máu và hỗ trợ hô hấp, tình trạng sốc của Tiểu Miểu cải thiện, nhiễm trùng dần thuyên giảm. Dù vậy, bị rối loạn đông máu và nhiễm trùng nghiêm trọng, da chân trái của bé hoại tử lan rộng. Nhóm PICU đã phối hợp với chuyên khoa da liễu và bỏng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, chế độ chăm sóc đặc biệt giúp da bé dần hồi phục.
Sau hơn 30 ngày điều trị tích cực, các vết ban trên da Tiểu Miểu biến mất, da chân trái cũng dần hồi phục, vết thương ở đầu lành lại.
Bác sĩ Chu Bích Trân, Phó chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Hạ Môn, khuyến cáo các bậc cha mẹ đặc biệt cẩn thận khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi. Ngay cả những vết thương nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân nguy hiểm. Khi da bé bị trầy xước, nên sát trùng bằng povidone iodine, không dùng cồn. Nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, sốt, cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.