"Nếu tôi chết, mọi người có buồn không?" - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia

Những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trong giới trẻ đang ở mức nghiêm trọng hơn chúng ta thường nghĩ rất nhiều.

Khi đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nhiều người thường hay thuận miệng buông một câu nói bông đùa: “Nhìn muốn trầm cảm”. Vậy nhưng, với không ít bạn trẻ, hai chữ “trầm cảm” này lại mang nỗi bất an tựa như phải đứng trước một con quái vật có thể nuốt chửng bản thân bất cứ lúc nào.

Khoảng 20% trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Kết quả của Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam vào năm 2023 nêu bật một thực tế đáng lo ngại là nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần và các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, các hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình.

Báo cáo Điều tra còn cho thấy 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

"Nếu tôi chết mọi người có buồn không?"

324k thành viên của một group mang tên Overthinking - Những kẻ nghĩ nhiều, hàng chục và hàng trăm nghìn thành viên trong các hội nhóm Những đứa trẻ trầm cảm, Giúp đỡ nhau vượt qua trầm cảm hay Hội những người bị Stress…. khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trung bình 1 ngày, các tài khoản giấu tên của các bạn trẻ đăng hàng chục post vấn đề của bản thân để chia sẻ và mong được đưa ra phương hướng “giải thoát”.

Đọc những bài viết được đăng tải trong các nhóm khiến không ít người nhận thấy đời sống tinh thần đầy bất ổn của các bạn trẻ - một thế hệ được “gắn mác” lớn lên trong điều kiện đầy đủ về vật chất và không phải chịu nhiều vất vả, khó khăn như các thế hệ trước.

Đứng trước các vấn đề về gia đình, học tập, tình yêu, công việc… có lớn có nhỏ nhưng dường như với những bạn trẻ này, mọi thứ đều trở thành áp lực khổng lồ không cách nào giải quyết ngoại trừ một biện pháp tiêu cực nhất - tự vẫn.

Nếu tôi chết, mọi người có buồn không? - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia - Ảnh 2.

Các cụm từ về vấn đề này liên tục xuất hiện trong những bài đăng tại các nhóm kín khiến một người bình thường nếu vô tình lạc vào phải đặt ra một câu hỏi, giới trẻ hiện nay đang đối diện với những điều gì? Phải chăng có một áp lực vô hình vẫn đang đè nặng lên các bạn trẻ thời đại này?

Chúng tôi đã kết nối với một bạn trẻ giấu tên và nghe bạn ấy tâm sự về việc từng có ý định tự tử.

“Mình có ý định tự tử vào thời điểm cuộc sống thuận lợi nhất”

Đây có lẽ là một điều kỳ lạ với nhiều người nhưng lại là điều mà X - một bạn trẻ 27 tuổi từng trải qua. Theo lời kể, lần đầu tiên bạn có ý định tự tử là vào năm lớp 10.

“Khi ấy mình mới đỗ cấp 3 vào ngôi trường hằng mong muốn một cách khá thuận lợi. Thế nhưng, thay vì niềm vui sau nhập học, mình lại bắt đầu bước chân vào một chuỗi ngày dài u ám.

Nếu trước đó mọi mục tiêu của mình đều là thi vào cấp 3 và sau khi đạt được, mình lập tức rơi vào tình trạng mất đi phương hướng, không biết cần làm gì tiếp theo, không biết sự tồn tại của mình có thực sự cần thiết hay không. Tiếp tục bước chân vào môi trường mới, thay vì vô tư hào hứng làm quen với những người bạn mới, mình sợ hãi không biết làm thế nào để hòa nhập.”

Trong kỳ học đầu tiên, X luôn ngồi bàn cuối cùng của dãy trong cùng, đến giờ ra chơi lại chạy xuống một góc sân và việc thường làm nhất ngoài giờ học chính là ngồi trong phòng khóc chẳng vì lý do gì rồi gạch đầu dòng chọn những cách để tự tử mà bản thân có thể tìm hay vô tình xem được ở đâu đó.

Nếu tôi chết, mọi người có buồn không? - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia - Ảnh 3.

Mẹ có lẽ cũng đôi chút nhận ra sự bất thường của X nên có gặng hỏi, nhưng do chính bản thân cũng không hiểu mình đang đối mặt với chuyện gì nên bạn lựa chọn việc im lặng. X cũng không liên hệ với bạn cũ.

“May mắn, mình vô tình biết đến một số người, dù đối diện với khó khăn đến cùng cực, họ vẫn vượt qua tất cả để từng bước chạm đến giấc mơ của bản thân. Giờ kể lại thật giống một trong nhiều câu chuyện ‘súp gà tâm hồn’ bình thường, nhưng với mình ở thời điểm ấy, những con người xa lạ đó đã thực sự như một sự cứu rỗi.

Mình cũng tự nhìn nhận lại chính bản thân, tại sao rõ ràng mọi chuyện thuận lợi đến vậy nhưng vẫn tiêu cực? Dù không tìm ra câu trả lời, nhưng mình biết điều này là không nên. Sau thời gian ấy, cuộc sống của mình trở lại giống như bao học sinh cấp 3 khác. Mình cũng bẵng đi và nghĩ nó giống như một cuộc ‘nổi loạn’ tuổi dậy thì.”

Tưởng chừng câu chuyện sẽ kết thúc vào năm cấp 3 ấy. Tuy nhiên, X lại tiếp tục đối mặt với vấn đề tương tự vào 10 năm sau:

“Năm 26 tuổi, cái sự ‘nổi loạn’ trong tâm trí ấy lại quay về. Khi mình đang có một công việc khá ổn định và trước đó còn đặt vé cho một chuyến đi mà bản thân đã mong chờ từ lâu, bất ngờ mình mất đi mọi hứng thú.

Mình một lần nữa rơi vào cái suy nghĩ: ‘Sự tồn tại của mình thực sự có giá trị?’

Nếu tôi chết, mọi người có buồn không? - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia - Ảnh 4.

Mình trở nên nhạy cảm với từng câu chữ những người xung quanh nói ra về mình, dù là vô tình hay cố ý và cũng từ đó nảy sinh mâu thuẫn với những người bạn thân thiết nhất. Khi đặt hết chút ít lòng tin còn sót lại nói ra những điều mình trải qua cũng không thể nhận lại sự thấu hiểu bản thân mong muốn và thậm chí là tệ hơn khi bạn bè lập tức phản ứng ‘ôi, mình còn khó khăn hơn nhiều…’. Mình bỗng cảm thấy giống như mình đang không chỉ trở thành gánh nặng cho chính bản thân mà còn đối với cả người xung quanh.

Mình luôn tỏ vẻ cười nói như không hề để tâm điều gì. Mình có thể vài phút trước còn đang vui vẻ nhưng lúc sau đã tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực. Mình đi du lịch mà không một bức ảnh nào có bản thân chụp lại vì nghĩ thế giới này không cần lưu giữ những thứ về một đứa như mình. Và mình lại liên tục nghĩ đến việc tự tử ở bất cứ đâu trong chuyến hành trình ấy.

X.

Mình biết chuyện này không nên kéo dài mãi. Mình đã tự ra một hạn định, nếu thực sự có thể kiên trì việc ‘nuối tiếc mạng sống’ qua ngày sinh nhật năm 26 tuổi, mình chắc chắn sẽ sống mà không bao giờ nghĩ đến việc tự tử nữa. Có thể nói động lực để mình sống tiếp hay không là có thực sự dám chết vào cái thời điểm bản thân đặt ra đó không.

Đến giờ trên trang cá nhân của mình vẫn còn một câu đăng vào ngày hôm ấy. Nếu mình thực sự không thể chịu đựng và lựa chọn tự tử, thì đó là lời nói cuối cùng, hy vọng kiếp sau sẽ thực sự được sống bình thản như mình mong muốn. Nếu không, đó sẽ là lời nhắc nhở mình phải thực sự sống tốt vào những năm sau.

Và may mắn mình vẫn ở đây. Mặc dù vậy, mình vẫn rất lo sợ bởi tâm trạng tồi tệ như vậy, bất cứ khi nào cũng có thể quay lại tìm mình.”

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Đặng Minh Khuê: “Cái cây của sự đau khổ đã cắm rễ từ lâu"

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ cùng Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Đặng Minh Khuê đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội).

Theo ThS. Minh Khuê, có nhiều lý do khiến cho những bất ổn về tâm lý dường như ngày càng gia tăng trong thời đại này. “Trong hàng ngàn ca được hỗ trợ tại Viện, rất nhiều phụ huynh cũng hỏi chúng tôi vì sao cuộc sống con họ tốt hơn thời bố mẹ rất nhiều, nhưng họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Là những người làm tham vấn - trị liệu tâm lý, có thể giúp người nhà hiểu và thông cảm được với thân chủ là một trong những mục tiêu thường có trong các ca làm việc của chúng tôi”, ThS. Minh Khuê nói.

“Chúng ta ai cũng đôi lần nảy ra ý nghĩ ‘Chết quách đi cho xong’. Nhưng không phải lúc nào những dòng suy nghĩ ấy cũng biến thành ý tưởng hay hành vi tự sát. Thông thường, một người nghĩ đến cái chết như một giải pháp tức là họ đã bế tắc lâu rồi. Họ bị mắc kẹt trong những vấn đề quá sức chống đỡ của họ, đến nỗi dường như chỉ có cái chết mới giải phóng họ khỏi cảm giác khổ sở họ đang trải qua.

Nếu tôi chết, mọi người có buồn không? - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia - Ảnh 6.

Sự vui vẻ chúng ta thấy đôi khi chỉ là lớp vỏ bên ngoài, cái cây của sự đau khổ, thất vọng, mệt mỏi đã cắm rễ từ lâu mà đôi khi, chính người trong cuộc cũng không nhận thức được. Đến một ngày, khi rễ cây cắm đủ sâu, thì kể cả khi cuộc sống của họ có viên mãn và thuận lợi, họ cũng không có đủ sức lực để tận hưởng cuộc sống ấy”.

Lý giải về nguyên nhân khiến người trẻ phải đối diện với những áp lực vô hình, Thạc sĩ Đặng Minh Khuê cho biết có thể kể đến một vài điều như sau:

Nhịp sống nhanh, cuộc sống thay đổi với tốc độ chóng mặt và đòi hỏi sự thích nghi cao: Công việc ngày hôm nay của bạn có thể đang rất thành công, nhưng rất có thể vài năm sau, công việc này sẽ bị thay thế bởi AI hoặc những công nghệ hiện đại. Điều này khiến cho người trẻ không chỉ bị áp lực trong thời điểm “hiện tại”, mà họ thường xuyên phải lo lắng cho “tương lai”, phải thay đổi và thích nghi liên tục. Khi điều này kéo dài, tình trạng mệt mỏi, kiệt sức là điều khó tránh khỏi.

Thế giới phẳng khiến người trẻ không chỉ chịu bị so sánh và áp lực từ “con nhà người ta”, mà có thể từ những người cách xa nửa vòng trái đất, hoặc cách mình vài thế hệ: Sự bùng nổ của mạng xã hội và internet cũng khiến ta dễ bị “ngộ độc” thông tin, đặc biệt là nếu ta phải tiếp xúc nhiều với những thông tin tiêu cực, độc hại.

Không chú ý việc tự chăm sóc, bỏ bê bản thân, thiếu hụt các hoạt động thể chất: Thân - tâm - trí luôn là ba trụ cột cần đảm bảo để ta có được cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên ở những thành phố lớn, nơi áp lực cuộc sống cao, chúng ta chỉ làm việc với đầu óc và tâm trí mà quên mất việc chăm sóc nó, thậm chí chấp nhận đánh đổi sức khỏe cho công việc. Khi phần khung bên ngoài rệu rã, nó sẽ kéo cả bộ máy bên trong sụp đổ theo.

Nếu tôi chết, mọi người có buồn không? - Câu hỏi phản ánh tâm lý bất ổn ở người trẻ và góc nhìn chuyên gia - Ảnh 7.

Vấn đề về gen và bẩm sinh có vai trò nhất định, tuy nhiên các rối loạn tâm lý thường là kết quả của cả yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, đảm bảo một cuộc sống điều độ, giữ môi trường sống và các mối quan hệ xung quanh lành mạnh, thấu hiểu bản thân và có kỹ năng điều tiết cảm xúc hợp lý sẽ giúp phòng ngừa những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Khi nào thì mức độ "khủng hoảng" tâm lý trong bạn trở nên "nghiêm trọng" và cần sự hỗ trợ?

Theo ThS. Minh Khuê, thực tế là bạn luôn có thể gặp nhà tâm lý khi bạn có một vấn đề gì đó không thể giải quyết một mình, miễn là bạn có nhu cầu được giúp đỡ.

Nếu bạn có một hoặc hơn trong số những chỉ báo dưới đây, bạn nên đi gặp sự hỗ trợ chuyên nghiệp:

- Tâm trạng thay đổi thất thường, khó kiểm soát và khó lấy lại cân bằng.

- Xuất hiện vấn đề về tư duy, suy giảm tập trung, trí nhớ, khả năng ngôn ngữ hoặc tư duy logic.

- Xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và/hoặc người khác.

- Mất động lực, mất hứng thú với các hoạt động hoặc người xung quanh

- Lịch sinh hoạt đảo lộn, khó ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ; Thường xuyên thèm ăn hoặc giảm cảm giác muốn ăn một cách rõ rệt.

- Tự cô lập, mất kết nối với những người thân, người xung quanh.

- Bỏ học, bỏ việc, bỏ bê các sở thích hoặc thói quen hằng ngày.

- Xuất hiện những hành vi bất thường, kỳ quặc, khó kiểm soát.

- Lạm dụng chất kích thích, internet; hoặc có dấu hiệu lệ thuộc quá mức một người, hoặc một điều gì đó.