ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi chỉ từ ho, viêm phổi, bé trai (12 tháng tuổi) suy đa tạng, rơi vào tình trạng nguy kịch vì nhiễm trùng huyết do tụ cầu.
Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ nhưng chưa được nhiều cha mẹ để ý.
Bé N.T (12 tháng tuổi, Ninh Bình) tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh diễn biến ở nhà khoảng 3 ngày, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục (khoảng 39 – 40 độ C), kèm theo ho nhẹ, chảy mũi. Đến ngày thứ 3, trẻ mệt mỏi, ăn kém, gia đình đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng: khó thở, mệt nhiều, li bì, có các dấu hiệu của suy tuần hoàn. Tại đây, trẻ được chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc trợ tim, kháng sinh và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa đang theo dõi một bệnh nhi phải lọc máu do nhiễm trùng huyết tụ cầu.
Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thần kinh, tổn thương thận cấp (tình trạng suy đa cơ quan do sốc nhiễm trùng). Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp tích cực như: thở máy, sử dụng thuốc trợ tim nâng huyết áp, kháng sinh phù hợp và lọc máu liên tục do trẻ có biểu hiện suy thận cấp.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu. Đây là nguyên nhân khá thường gặp gây tổn thương nhiều cơ quan như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, viêm xương, viêm khớp.
Bệnh nhi N.T tiếp tục được điều trị tích cực bằng kháng sinh, dẫn lưu màng phổi, màng tim (dọn sạch các ổ nhiễm trùng), hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn. Dù tình trạng tim mạch của trẻ cải thiện, tuy nhiên do trẻ bị biến chứng viêm phổi hoại tử gây ra do tụ cầu rất nặng nề, nên trẻ đã tử vong sau 15 ngày điều trị.
Theo ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tụ cầu là căn nguyên nhiễm khuẩn thường gặp, ban đầu có thể gây ra các tổn thương ngoài da như nhọt, chín mé, hoặc viêm tấy tại các vết thương hở. Nếu được phát hiện và điều trị đúng bệnh, kịp thời, trẻ sẽ có thể khỏi hoàn toàn. Một số trường hợp vi khuẩn lan vào máu và gây ra tổn thương nhiều cơ quan như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi tràn dịch màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm khớp mủ, viêm cơ. Một số trường hợp nặng có thể gây sốc nhiễm trùng (tình trạng nhiễm khuẩn gây ra hạ huyết áp).
Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim. Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhi nhiễm trùng huyết như: lọc máu liên tục hỗ trợ trong các bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch.
Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức và được can thiệp phù hợp ngay từ đầu, nhưng nhiễm trùng huyết do tụ cầu vẫn có tỷ lệ tử vong khá cao.
Theo bác sĩ, nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Vì vậy, để phòng tránh nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần:
- Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh.
- Khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn.
- Thận trọng với mụn nhọt và các vết thương ngoài da của trẻ bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ đến khi vết thương lành. Không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.
- Chăm sóc dinh dưỡng nâng cao thể trạng cho trẻ.
- Khi trẻ sốt cao, mệt mỏi, ăn kém, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.