Ngày 19/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu bệnh viện vừa phẫu thuật lấy thành công chiếc tăm tre cho ông L. Q. M (59 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) là trường hợp nói trên.
Theo gia đình bệnh nhân, ông M. có thói quen ngậm tăm sau khi ăn và thỉnh thoảng ngậm trong khi đi ngủ. 20 ngày trước khi nhập viện, ông M. bị đau bụng kéo dài, ăn uống kém nhưng không rõ nguyên nhân.
Sau đó, bệnh nhân này đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng bên phải khoảng nửa tháng, kèm theo ho nhiều.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm để chẩn đoán. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực - bụng ghi nhận dị vật cản quang đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu phải dài khoảng 5cm, nghi áp xe cơ thắt lưng chậu phải và huyết khối trong tĩnh mạch chủ dưới; viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Do ăn uống kém trong thời gian dài, cơ thể ông M. bị suy kiệt, tình trạng nhiễm trùng toàn thân nặng nên bác sĩ quyết định hồi sức nội khoa tích cực, nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Quá trình mổ, ekip xẻ ổ áp xe lấy ra khoảng 50ml mủ xanh đục, bên trong đó có 1 dị vật là chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 6,5cm; tiếp tục xẻ tĩnh mạch chủ dưới lấy ra đoạn huyết khối dài khoảng 4cm.
Sau phẫu thuật, hiện ông M. đã tỉnh, không sốt, hết đau bụng, bụng mềm, thể trạng khá; đang được theo dõi, điều trị tiếp tại Khoa ngoại Lồng ngực mạch máu.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Liêu Vĩnh Đạt - Phó Khoa ngoại Lồng ngực mạch máu, dị vật tiêu hóa là vấn đề lâm sàng thường gặp trong thực hành hàng ngày, có thể xảy ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em và người lớn tuổi thường nuốt các dị vật tiêu hóa. Triệu chứng lâm sàng liên quan đến tình trạng dị vật ống tiêu hóa cũng khác biệt nhau tùy vị trí dị vật vướng lại hoặc có thể không có triệu chứng.
Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dị vật có thể đâm thủng đường tiêu hoá gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo, sau khi ăn uống, nếu có dùng tăm xỉa răng nên tránh lơ đãng, sơ suất để tăm bị hút rơi vào đường thở hay đường tiêu hóa, sau khi sử dụng xong thì vứt bỏ luôn, không nên ngậm trong miệng để nói chuyện hoặc làm việc khác.