Theo BV Sản- Nhi Nghệ An, ngày 28/4, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 7 tuổi có triệu chứng bị nhiễm virus dại (nói sảng, không chịu ăn ngủ, nôn mửa…)
Thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo nên tiêm phòng vắc-xin. (Ảnh minh họa)
Trước đó, gia đình đã đưa bệnh nhi đưa cháu bé đến Bệnh viện huyện Yên Thành nhưng không tìm được nguyên nhân và tiếp tục được chuyển đến một bệnh viện khác tại TP Vinh, Nghệ An.
Nhận thấy triệu chứng của cháu bé ngày nặng, gia đình đã đưa cháu Đ. đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Tại đây, các bác sỹ nghi cháu bị bệnh dại, đã lên cơn và không thể cứu chữa. Gia đình xin cho cháu bé về nhà. Đến tối cùng ngày cháu bé đã tử vong.
Theo người nhà bệnh nhi, khoảng 2 tháng trước, cháu Đ. có chơi đùa với con chó lạ và bị chó cắn. Con chó này hiện cũng đã mất tích.
Các chuyên gia cho biết, chó dại là những con chó nhà hoặc chó hoang bị mắc bệnh dại. Khi bị nhiễm virus dại, chó biểu hiện ở hai dạng là thể dại câm (bại liệt hay im lặng) và thể dại cuồng (hay thể dại điên). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại có thể biểu hiện cả hai dạng lâm sàng này một cách xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. Phần lớn chó bị dại tính tình thường thay đổi, nằm yên một chỗ, lừ đừ hay kích động chạy rông, cắn xé hoảng loạn hay liệt chân nên hay chạy vòng tròn, chảy nước bọt, nấp vào chỗ tối, lờ đờ rồi chết.
Do đó, ngay sau khi bị chó cắn, nên nhanh chóng cách ly con chó đã cắn người ra một khu vực khác và nhốt lại để theo dõi. Không nên đánh đập và tìm cách bắt giữ nó ngay lúc đó vì có thể nó sẽ cắn thêm nhiều người nữa trong lúc bị đuổi bắt. Trong trường hợp bị chó cắn, cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày. Nếu qua thời gian này con chó chết và có biểu hiện bất thường như trên cần phải tiêm phòng vắc-xin dại ngay.
Đặc biệt, người thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo (giết mổ chó mèo, nhân viên thú y...) nên tiêm phòng vắc-xin dại để dự phòng các nguy cơ.