Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và từng có thời điểm là nỗi ám ảnh đối với thế giới bởi những nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Bệnh bạch hầu thường khởi phát với các triệu chứng nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Daily Mail thông tin, những ca bệnh bạch hầu đầu tiên được ghi nhận từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và gieo rắc kinh hoàng khắp Ai Cập cổ đại và Syria. Đến thế kỷ 17, dịch bạch hầu bùng phát dữ dội tại châu Âu, cướp đi sinh mạng vô số người . Năm 1735, bệnh bạch hầu lây lan một cách chóng mặt đến châu Mỹ. Chỉ trong vòng vài tuần, gia đình có người nhiễm bệnh đều không còn ai sống sót.
Năm 1921, bóng ma bạch hầu bao trùm nước Mỹ, với hơn 206.000 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 15.520 người. Từ năm 1920, vaccine bạch hầu được tạo ra đã mang lại hy vọng mới cho nhân loại, giúp giảm mạnh số ca mắc bệnh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn một căn bệnh truyền nhiễm được đánh giá là nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em và những người chưa tiêm phòng. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giới ghi nhận hơn 7.300 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu, và con số thực tế có thể còn cao hơn. Hồi tháng 4, trong một bài đăng trên X (trước đây là Twitter), WHO cũng cảnh báo rằng bệnh bạch hầu đang gia tăng trên toàn cầu.
Dù có vaccine phòng bệnh nhưng bạch hầu vẫn được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: Getty Images
Theo WHO, các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu 2–5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đau họng, sốt, sưng hạch cổ và suy nhược. Trong vòng 2–3 ngày kể từ khi nhiễm trùng, mô chết trong đường hô hấp tạo thành một lớp phủ dày, màu xám có thể bao phủ các mô ở mũi, amidan và cổ họng, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh. Viêm cơ tim, suy tim, liệt cơ hô hấp và tổn thương thần kinh ngoại biên là những biến chứng thường gặp và có thể dẫn đến tử vong.
Hầu hết các ca bệnh nghiêm trọng và tử vong do bệnh bạch hầu xảy ra do độc tố bạch hầu. Các biến chứng có thể bao gồm viêm tim và dây thần kinh. Đối với những người không được tiêm vaccine và không được điều trị đầy đủ, tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu lên đến 30%, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn.
Ai có nguy cơ dễ mắc bệnh bạch hầu?
Bất kỳ ai chưa được tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ đều có thể bị nhiễm bệnh. Trong đó, trẻ em được nhận định là đối tượng dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng nhất vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Theo khuyến cáo, trẻ nên được tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 (vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não) vào các mốc thời gian 2, 3 và 4 tháng tuổi và đặc biệt lưu ý đến mũi nhắc (DFT) của trẻ lúc 15 – 18 tháng tuổi.
Người lớn tuổi là đối tượng tiếp theo dễ mắc bệnh bạch hầu hơn cả. Hệ miễn dịch của người lớn tuổi thường suy yếu theo thời gian, khiến họ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả bệnh bạch hầu. Những người mắc các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh thận,…cũng có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường do đó dễ mắc bệnh bạch hầu hơn.
Vi khuẩn bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp, do đó những người sống trong môi trường đông đúc, thiếu vệ sinh có nguy cơ cao tiếp xúc với vi khuẩn và mắc bệnh. Đặc biệt, một số ngành nghề có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu bao gồm nhân viên y tế, giáo viên, người chăm sóc trẻ em…