Bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể giết chết số người cao gấp 12 lần vào năm 2050

Một nghiên cứu đã cảnh báo rằng các bệnh truyền từ động vật sang người có thể giết chết số người vào năm 2050 nhiều hơn ít nhất 12 lần so với năm 2020.

Công ty công nghệ sinh học Ginkgo Biowork của Mỹ dự báo, dịch bệnh do một số bệnh lây truyền từ động vật gây ra, còn được gọi là hiệu ứng lan tỏa, có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, số lượng dịch bệnh đã tăng gần 5% trong mỗi năm từ năm 1963 đến năm 2019, với tỷ lệ tử vong tăng 9%.

Nghiên cứu cho biết: "Nếu tốc độ (dịch bệnh) gia tăng hàng năm này tiếp tục diễn ra, chúng tôi dự đoán, các mầm bệnh được phân tích sẽ gây ra số ca bệnh lây truyền cao gấp 4 lần và số ca tử vong vào năm 2050 cao nhiều hơn 12 lần so với năm 2020".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định, những số liệu này có thể là một con số thấp hơn vì dại dịch COVID-19 không được đưa vào nghiên cứu bởi nó không đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt để có thể được đưa vào danh sách.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, "có khả năng" virus SARS-CoV-2 đã truyền sang người từ dơi, nhưng một số nhà khoa học đã phản bác giả thuyết này.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể giết chết số người cao gấp 12 lần vào năm 2050 - Ảnh 1.

Một cuộc thử nghiệm virus Machupo. (Ảnh: Sky News)

Nghiên cứu được công bố trên BMJ Global Health đã phân tích xu hướng lịch sử của bốn loại bệnh cụ thể. Đây là nhóm bệnh filovirus, bao gồm virus Ebola và virus Marburg , virus SARS-CoV-1, virus Nipah và virus Machupo.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 3.000 đợt bùng phát từ năm 1963 đến năm 2019 và xác định được 75 sự kiện lan tỏa ở 24 quốc gia. Điều này bao gồm những dịch bệnh được WHO báo cáo, các đợt bùng phát kể từ năm 1963 khiến 50 người trở lên thiệt mạng và những sự kiện có ý nghĩa lịch sử bao gồm đại dịch cúm vào năm 1918 và năm 1957.

Tổng cộng, các sự kiện này đã gây ra 17.232 ca tử vong, trong đó 15.771 trường hợp do filovirus và xảy ra chủ yếu ở châu Phi.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng bằng chứng từ các dịch bệnh gần đây gây ra bởi sự lan tỏa từ động vật sang người cho thấy, chúng "không phải là một cụm sai lệch hoặc ngẫu nhiên" mà theo "một xu hướng kéo dài trong nhiều thập kỷ, trong đó các dịch bệnh lan tỏa đã trở nên nghiêm trọng hơn, quy mô rộng hơn và diễn ra thường xuyên hơn".

Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng "cần có hành động khẩn cấp để giải quyết rủi ro lớn và ngày càng tăng đối với sức khỏe toàn cầu" dựa trên các xu hướng lịch sử.