Ung thư cơ bản không phải là bệnh truyền nhiễm và không lây lan từ cơ thể người bệnh sang người khỏe mạnh dưới bất kỳ hình thức nào. Mặc dù ung thư không có tính lây nhiễm, song ở những gia đình có thành viên bị ung thư, thì nguy cơ mắc bệnh của những người còn lại sẽ tăng lên vì một số yếu tố gen di truyền.
Thế nhưng, chúng ta cũng cần đề phòng hơn nữa bởi có 4 loại vi rút vừa dẫn đến ung thư, vừa có khả năng lây nhiễm.
1. Vi rút viêm gan B (HBV)
Các khối u ác tính gây nên ung thư gan nguyên phát có liên quan đến HBV. Bởi các bệnh nhân ung thư gan thường có tiền sử viêm gan B mãn tính hoặc mang HBV. Các vi rút khác cũng có thể gây viêm gan (vi rút viêm gan A), nhưng chỉ vi rút viêm gan B và C mới có thể gây nhiễm trùng lâu dài (mãn tính) làm tăng nguy cơ ung thư gan của một người.
Đặc biệt, HBV có thể lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con nên cách tốt nhất để ngăn ngừa là tiêm phòng vắc xin.
2. Vi rút Epstein-Barr (herpesvirus 4 ở người)
Vi rút Epstein-Barr có liên quan đến bệnh ung thư biểu mô vòm họng, ung thư hạch không Hodgkin và ung thư hạch Hodgkin. Người nhiễm vi rút có thể lây truyền sang người khác qua nước bọt, cụ thể khi ho, hắt hơi hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống. Cũng như các trường hợp nhiễm vi rút herpes khác, bệnh thường kéo dài và hầu hết mọi người không có triệu chứng sau vài tuần đầu tiên.
Ngoài ra, nó có thể gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân, ung thư dạ dày, các tế bào lympho lành tính và ác tính khác.
3. Vi rút Papilloma (HPV)
Vi rút HPV được gọi là vi rút u nhú khiến biểu mô vảy của da và niêm mạc ở người tăng sinh. Khoảng 150 vi rút HPV đã được phân lập và có nhiều loại trong số đó được xếp vào nhóm nguy hiểm, đặc biệt đối với phái nữ. Bởi chúng có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư cổ tử cung. Đối với một số người bị nhiễm các loại HPV kéo dài sẽ có nguy cơ phát triển thành ung thư.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi rút HPV. Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm vi rút khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bệnh.
Bên cạnh đó, vi rút HPV còn là tác nhân gây ung thư âm đạo, ung thư tầng sinh môn, ung thư hậu môn và ung thư vòm họng.
4. Vi rút T-lymphotropic ở người 1 (HTLV)
Siêu vi T-lymphotropic ở người (HTLV) 1 hoặc 2 có thể gây u lympho, hạch to, phì đại gan lách, tổn thương da và giảm miễn dịch. Trong đó, vi rút T-lymphotropic ở người loại 1 còn có khuynh hướng gây ung thư hạch không Hodgkin hay còn gọi là ung thư hạch bạch huyết tế bào T (ATL) ở người trưởng thành.
Đây là loại vi rút có khả năng lây truyền từ mẹ sang con, qua đường tình dục cũng như qua đường máu. Sau khi lây nhiễm, nó còn tồn tại trong cơ thể người hơn 20 năm.
Nguồn và ảnh: QQ, Bệnh viện ĐK Quốc tế Vinmec, WHO, Mayoclinic, Medicalnewstoday, Cancer, Health