Bỏ qua dấu hiệu bất thường này khi đi đại tiện, cô gái trẻ bị chẩn đoán ung thư ruột khi ở tuổi 28

Việc tự chẩn đoán bệnh ở nhà rất nguy hiểm, bởi có khi bệnh rất nặng nhưng lại không có biểu hiện gì hoặc có chung dấu hiệu với bệnh khác, điển hình là trường hợp ung thư của cô gái trẻ này…

Mới đây, tờ QQ đã có một bài phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa ung thư Da Jun, hiện đang công tác tại một bệnh viện Trung Quốc. Ông cho biết, mình vừa gặp một trường hợp bệnh rất đáng thương. Nguyên do xuất phát từ sự nhầm lẫn giữa các dấu hiệu bệnh, để rồi không đi khám kịp thời và nhận kết quả không mấy tốt đẹp.

Theo đó, cô Xiao Lin là một nhân viên văn phòng bình thường, hàng ngày vẫn đi làm 8 tiếng rồi sinh hoạt như bao người. Cho đến một hôm cách đây 4 tháng, cô phát hiện có máu lẫn trong phân lúc đi đại tiện. Khi kể chuyện này cho bố mẹ, họ khuyên cô nên đi nội soi ngay nhưng cô đã từ chối vì nghĩ đây chỉ là dấu hiệu đơn giản.

Bỏ qua dấu hiệu bất thường này khi đi đại tiện, cô gái trẻ bị chẩn đoán ung thư ruột khi ở tuổi 28 - Ảnh 1.

Nhưng kể từ hôm đó cho đến hiện tại, thể trạng của Xiao Lin ngày càng yếu dần, cả người cứ như "da bọc xương" do suy dinh dưỡng nặng. Trước tình hình này, cô đành phải đi viện khám. Người điều trị cho cô là bác sĩ Da Jun chẩn đoán rằng, ung thư ruột trong cơ thể cô đang di căn rất nhanh và đang ở giai đoạn cuối.

Bác sĩ dự đoán Xiao Lin chỉ còn sống chưa đến 4 tháng nữa… Nghe xong cô liền gục khóc trong hối hận, bởi trước đây Xiao Lin luôn nghĩ các dấu hiệu bệnh của mình là do bệnh trĩ, đến khi đi khám thì đã quá muộn màng...

"Thật ra, Xiao Lin không phải là trường hợp duy nhất mà tôi biết. Hiện nay, tôi phải điều trị đến vài bệnh nhân ung thư ở độ tuổi còn rất trẻ mỗi tháng. Thế mới thấy được rằng, ung thư đang dần trẻ hóa theo thời gian" – Bác sĩ Da Jun chia sẻ với phóng viên.

Tại sao bệnh nhân ung thư ruột thường phát hiện bệnh quá muộn?

Bác sĩ Da Jun cho biết, muốn sàng lọc và chẩn đoán sức khỏe đường ruột thì chỉ có 1 cách duy nhất, đó là nội soi đại tràng. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng lối vào của ống nội soi nằm trong hậu môn. Vậy nên họ thường có tâm lý ngại ngùng về cả thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng cố gắng "né" việc đi khám càng trễ càng tốt.

Bên cạnh đó, bệnh nhân thường nhầm lẫn ung thư ruột với bệnh trĩ , bởi chúng đều có dấu hiệu tương tự là có máu trong phân. Cuối cùng khiến ung thư ngày càng di căn mạnh hơn, đến lúc phát hiện bệnh thì đã quá trễ để điều trị.

Bỏ qua dấu hiệu bất thường này khi đi đại tiện, cô gái trẻ bị chẩn đoán ung thư ruột khi ở tuổi 28 - Ảnh 2.

Nếu không nội soi đại tràng thì không có cách nào phát hiện sớm các khối u ác tính trong ruột cả.

Một nguyên nhân khác khiến ung thư ruột ngày càng trẻ hóa, đó chính là thói quen ăn uống "3 cao" của giới trẻ hiện nay, bao gồm protein cao, calo cao và chất béo cao. Các loại thức ăn nhanh hay đồ chiên dầu tuy rất ngon miệng, nhưng nếu ăn quá nhiều chúng trong thời gian dài, cơ thể sẽ không được cung cấp đủ chất xơ . Từ đó dẫn đến béo phì và táo bón – một yếu tố hàng đầu gây nhiều loại bệnh.

Ngoài ra, nhiều người trẻ bây giờ còn ngồi làm việc liên tục, đôi lúc tăng ca nên không chú ý đến việc tập thể dục. Lâu dài sẽ khiến nhu động ruột bị chậm lại và gây ra rối loạn đại tiện.

"Tỷ lệ người trẻ dưới 30 tuổi mắc ung thư ruột, hay còn gọi là ung thư trực tràng, đang dần tăng lên theo từng năm. Nếu giới trẻ không tự nhận thức và điều chỉnh lối sống, con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa" - Kong Continental, giám đốc ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Ung thư Thiên Tân, chia sẻ.

Bỏ qua dấu hiệu bất thường này khi đi đại tiện, cô gái trẻ bị chẩn đoán ung thư ruột khi ở tuổi 28 - Ảnh 3.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cần phải phân biệt được rằng, bệnh trĩ và ung thư ruột tuy có nhiều dấu hiệu giống nhau nhưng về bản chất, chúng vẫn có sự khác biệt. Đầu tiên, bệnh nhân trĩ thường chỉ có cảm giác sưng và đau ở hậu môn. Còn bệnh nhân ung thư ruột lại có những thay đổi rõ ràng trong thói quen đi đại tiện như: tăng số lượng phân, nhu động ruột làm việc liên tục, táo bón và tiêu chảy xảy ra xen kẽ…

Bỏ qua dấu hiệu bất thường này khi đi đại tiện, cô gái trẻ bị chẩn đoán ung thư ruột khi ở tuổi 28 - Ảnh 4.

Hiện nay, tỷ lệ chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng ở Trung Quốc là dưới 10%, nhưng ở Mỹ lại lên đến 25%. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư ruột đã di căn chỉ có 7%. Ngược lại, những bệnh nhân phát hiện sớm lại có dấu hiệu khá tốt, hơn 90% bệnh nhân có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị.

"Mặc dù ung thư ruột là một khối u ác tính, nhưng nó có thể phòng ngừa và chữa được. Chìa khóa ngừa bệnh bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục, còn chìa khóa để điều trị bệnh chỉ có phát hiện sớm mà thôi. Khuyến cáo những người có tiền sử ung thư, uống nhiều bia rượu, ngồi nhiều, ăn nhiều chất béo, ít tập thể dục… cần phải nội soi đại tràng 5 năm/ lần để phòng bất trắc" - Pan Zhizhong, bác sĩ trưởng Khoa Ung thư đại trực tràng thuộc Trung tâm Ung thư của Đại học Sun Yat-sen, đưa ra lời khuyên.

Theo QQ