Ngày 11-7, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có thông tin khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.
Trong trường hợp hoãn tiêm, cần đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, không tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm vaccine bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch.
Trong trường hợp cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm, cũng như đảm bảo an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, cần được cách ly y tế. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý tiêm vaccine bạch hầu khi chưa có hướng dẫn. Ảnh minh họa
Trước đó, tối 10-7, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận một ca tử vong.
Nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế hai tỉnh trên về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.
Đồng thời, Sở Y tế Nghệ An và Bắc Giang cần triển khai cho người tiếp xúc với người mắc bệnh uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.