Bỗng nhiên thấy trong người nặng mình, ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa kém, ngủ không ngon hoặc không sâu giấc, hoặc có thể sẽ thích nằm, thích ngủ, lười dậy làm vì luôn cảm thấy đuối sức, mệt mỏi, kém tập trung, đau mỏi người, đau lưng, đau cổ vai gáy, đau đầu... là những triệu chứng của người có bệnh thấp.
Bệnh thấp theo Đông y là thấp trệ ngăn trở ở bên trong, làm cho khí cơ không được thư sướng, khí huyết thăng giáng kém, khí dương không đưa lên trên được, nhất là khi nằm rồi tỉnh dậy thấy người nặng nề như có vật đè nặng, ngại việc, sợ việc, nhác hoạt động...
Nguyên nhân sâu xa do tỳ hư thấp trệ, thường bắt nguồn từ chứng thận dương hư. Bệnh phần nhiều do tà khí hàn thấp từ phủ tạng sinh ra, hoặc do cảm nhiễm từ bên ngoài, làm tổn thương cả ba tạng: phế, tỳ, thận. Nhưng bệnh thường tích tụ ở tạng tỳ.
Người mắc bệnh thường thấy biểu hiện bụng đầy khó chịu, đau âm ỉ, ăn uống kém, hoặc chán ăn, miệng đầy nhớt, hay buồn nôn, tay chân rã rời, người luôn mệt mỏi, nặng mình, yếu ớt, hơi tí là mệt, ăn ngủ kém, ngủ không sâu giấc, hay mộng mị, sắc mặt vàng bủng... nếu để lâu ngày không chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới tay chân phù...
Nguyên nhân bệnh thấp sinh ra do thói quen ăn uống nhiều thức ăn sống lạnh, làm tỳ vị bất hòa, tỳ khí hư suy mất chức năng kiện vận, thủy thấp không hóa được, tụ lại thành đờm, ẩm nhập vào phế mà sinh bệnh…
Cách điều trị
Y học cổ truyền chữa trị cơ bản là kiện tỳ vị, táo thấp, hành khí đạo trệ… trong đó có bài thuốc cổ phương "Bình Vị Tán", rất đơn giản nhưng nổi tiếng hiệu quả. Các bệnh viện y học cổ truyền đều có bào chế thuốc này cho bệnh nhân. Cần đến các bệnh viện thăm khám chẩn bệnh trước. Bài thuốc này cũng không khó làm vì chỉ gồm 4 vị thuốc chính, những người ở xa bệnh viện có thể làm như sau:
- Thương truật sao 12g
- Cam thảo sao 6g
- Hậu phác sao10g
- Trần bì sao 8g
Có thể gia giảm thêm táo đỏ 6g, gừng tươi 4g để tăng hiệu quả của bài thuốc.
Cách dùng
Sắc các vị thuốc trên rồi chia đều sử dụng 3 lần trong ngày, hoặc sao khô, tán bột dùng dần.
Phân tích bài thuốc
Vị thương truật để táo thấp, kiện tỳ làm chủ dược.
Vị hậu phác để táo thấp trừ chướng mãn.
Vị trần bì để lý khí hóa trệ, trừ đàm thấp là các thuốc phụ trợ chính.
Cam thảo, gừng táo để hòa trung, điều hòa tì vị...
Đây là phương tễ kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm. Cổ nhân thường nói, nếu phương thuốc gồm các vị tân, táo, khổ thì có thể tiêu thực, tán đàm thấp. Vì vậy bệnh có trệ, có thấp, có tích đều dùng được hiệu quả, bao gồm các bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa, tỳ vị kém, nặng mình, mệt mỏi... như các triệu chứng trên đã nói.
Có lưu ý là bài thuốc vị đắng cay, ôn táo nhưng dễ tổn thương tân dịch, âm huyết. Vì vậy cần có chỉ định của bác sĩ mới được dùng, nhất là phụ nữ có thai.