Vì sao cần thải độc mùa xuân?
Một năm có 4 mùa, và từ hàng ngàn năm nay các thầy thuốc vẫn khuyên mọi người nên đào thải độc tố vào mùa xuân? Vì sao vậy?
- Thứ nhất: Do mùa xuân là mùa dương khí phát, dương khí thăng hoa, là lúc vạn vật muôn loài trong tự nhiên sinh sôi phát triển, các mầm mống bệnh tật bên trong và bên ngoài cơ thể cũng mượn cơ hội hiếm có này để phát triển hoặc phát bệnh... Vì vậy chúng ta cũng nên nhân lúc này để loại trừ độc tố và các mầm mống bệnh tật bên trong và bên ngoài cơ thể.
Ths. Bác sĩ Hoàng Kỳ. Ảnh: T.G
- Thứ hai: Do mùa xuân là dịp Tết, nhiều hội hè đình đám, lễ chùa, tiệc tùng, ăn uống nhậu nhẹt nhiều, rượu thịt nhiều... lại ít lao động, ít vận động nên cơ thể tích lũy rất nhiều chất dư thừa và độc tố - rất cần phải loại bỏ để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, giúp phòng ngừa bệnh tật.
- Thứ ba: Mùa xuân là khí tiết tốt nhất để dưỡng gan (Can), phục hồi gan. Trong lý luận y học cổ truyền thì gan chủ sơ tiết, là cơ quan xử lý lượng độc tố lớn trong cơ thể, gan khỏe thì cơ thể mới khỏe. Vì vậy mùa xuân là cơ hội thích hợp nhất và nên thải độc gan.
Mùa xuân rất thích hợp để thải độc cho gan. Ảnh minh họa.
4 cách thải độc gan đơn giản
Phương pháp thải độc vào mùa xuân nên bắt đầu từ gan, có 4 cách đơn giản như sau:
1. Ăn thực vật có màu xanh
Theo ngũ hành trong Đông y lập luận: Thực vật có màu xanh sẽ giúp gan dễ hấp thu, dễ bài tiết, có thể thư can, giải uất, thông đạt can khí, dưỡng can thải độc - và thứ được các cụ từ xưa hay dùng nhất là chanh, quất tươi có vỏ xanh.
Thực vật có màu xanh xưa hay dùng nhất là chanh, quất tươi có vỏ xanh. Ảnh minh họa.
2. Dùng hạt kỷ tử
Kỷ tử trong Đông y có tác dụng tư âm bổ gan thận, dưỡng huyết, bổ huyết thì ai cũng biết. Kỷ tử còn có tác dụng rất tốt lên tế bào gan, giúp nâng cao chức năng gan, tăng khả năng kháng độc tố và bảo vệ gan rất tốt.
Mỗi ngày nên dùng 20g kỷ tử hãm với nước sôi 100 độ C, hãm đi hãm lại vài lần đến khi nhạt nước thì ăn luôn hạt đó. Có thể dùng liên tục đến mùa hạ.
Huyệt Thái xung. Ảnh minh họa.
3. Ấn huyệt Thái xung
Huyệt Thái Xung này nằm trên đường kinh Can (gan), nên có tác dụng bình can, thanh can hỏa, lý huyết, sư tiết thấp nhiệt thấp độc ở hạ tiêu, giải độc và dưỡng gan - là một trong những huyệt dưỡng sinh quan trọng trong y học cổ truyền. Mỗi ngày day ấn 1-2 lần sáng chiều, mỗi lần ấn huyệt 3-5 phút/ Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt đến khi cảm thấy tê tức bàn chân là được.
4. Cạo gió
Cạo dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạn sườn, kín hết diện lưng. Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh, đau cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên thì cạo thêm cánh tay và cẳng tay.
Khi cạo gió nên chọn nơi kín gió, người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sát khuẩn dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được.
Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác. Thông thường, mỗi vùng cạo từ 3 - 5 phút là da ửng đỏ.
Sau khi cạo, cho người bệnh uống một cốc sữa hoặc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn ấm nằm nghỉ.
- Có thể dùng ngọc, hoặc bạc, hoặc sừng trâu để cạo gió dọc sống lưng. 3-5 tuần có thể cạo gió 1 lần để thải độc rất hiệu quả.
Thải độc gan giúp hai lá gan khỏe thì cơ thể mới khỏe. Ảnh minh họa.
Vì thế mới có bài thơ về thải độc dễ hiểu như sau:
Mùa Xuân mùa sinh trưởng
Vạn vật trong đất trời
Con người cũng thế thôi
Luôn không ngừng thay đổi.
Mùa xuân dương khí phát
Vạn vật sẽ sinh sôi
Độc tố cũng thế thôi
Từ trong ngoài cơ thể.
Sinh sôi và phát triển
Gây ảnh hưởng rất nhiều
Con người muốn triệt tiêu
Nên bài trừ độc tố!