Lan tỏa mạnh hơn từ lá thư của Thứ trưởng Bộ Y tế
Từ hơn một tháng trước, nhiều F0 từng nguy kịch vượt được ranh giới mong manh đã quyết ở lại các bệnh viện điều trị COVID-19 chăm sóc các bệnh nhân nặng.
Đặc biệt, sau lá thư của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh tham gia vào công tác phòng, chống dịch của TP HCM thì khát vọng được chung sức sẻ chia từ các F0 đã khỏi bệnh lan tỏa mạnh hơn.
Nhíu mày mạnh để mồ hôi tản ra nơi khóe mắt, sau những giờ tất bật lo cấp cứu bệnh nhân, BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) chia sẻ: Mỗi lần bàn giao ca trực, quần áo của y bác sĩ ướt sạch. Làm việc công suất gấp 2-3 lần đã được từng người tập rèn. Có đến hàng chục nhiệm vụ phát sinh, trong nỗi lo âu và tự nguyện của thầy thuốc. Ví như bón đồ ăn, đấm lưng… Thậm chí có những người phải dỗ dành.
Bác sĩ Kha (áo đỏ) cùng Quang và Khánh và đồng nghiệp chuẩn bị vào ca trực.
Vậy nên khi có các F0 từng bị nhiễm bệnh nặng khỏi bệnh xung phong ở lại chăm chút chu đáo cho các bệnh nhân khác thì vất vả của các y bác sĩ cũng vơi đi phần nào. Đến ngày 11/9 đã có hơn 30 F0 từ trung bình đến nặng khỏi bệnh tình nguyện ở lại Bệnh viện Dã chiến 3.
Dẫn chúng tôi vào phòng cấp cứu bệnh nhân nặng, BS Công bảo rằng: Cứ nhìn sự hối hả ở đây thì biết. Từ y bác sĩ đến các tình nguyện viên đều tất bật làm việc suốt nhiều giờ mỗi ca. Điều đáng mừng là nhiều F0 ở lại vì lòng cảm kích với các thầy thuốc và dành tình thương cho bệnh nhân như người ruột thịt của mình.
Hoàn cảnh của các F0 tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đang cấp cứu thật đa dạng. Có người là đầu bếp giỏi, nhạc công, sinh viên, có người là lao động phổ thông, công nhân may, chạy xe ba gác…
Hàng ngày Nguyễn Minh Quang vừa vận chuyển, lắp oxy vừa chăm sóc bệnh nhân.
Là đầu bếp có tay nghề vững vàng đang hăm hở với nhiều dự định mới thì Lê Quang Khải (sinh năm 1992, tại Thủ Đức) trở thành F0. Sau những ngày thu dung tập trung ở tuyến dưới, triệu chứng nặng dần, việc hô hấp ngày càng khó khăn. Khi xe cấp cứu vừa đưa Khải đến Bệnh viện Dã chiến số 3, các nhân viên y tế đã ùa ra đón vào điều trị.
Những đêm trắng thảng thốt giật mình lo sợ, Khải luôn được y bác sĩ động viên kịp thời. Khi chuẩn bị ra viện, hình ảnh những cụ già, người ốm yếu cứ thôi thúc trong ý nghĩ, anh quyết định ở lại để chăm sóc những người dưng mà nay đã trở nên thân thiết này.
Vì y bác sĩ và bệnh nhân mà ở lại
Nhìn vào tờ danh sách các F0 từng phải thở oxy hồi sinh ngoạn mục và khỏi hẳn, giờ đồng hành cùng mình, BS Công như nhân lên niềm vui. Anh bảo: Nhiều người lúc đầu vào đây cô đơn và run rẩy lo sợ, nhất là khi được gắn máy thở oxy vào mũi. Nhìn họ thấy mà thương lắm.
Ám ảnh nhất là những đôi mắt đờ đẫn chứa ẩn nỗi buồn lo mênh mông. Lúc đó mỗi thầy thuốc đều ước mình có sức mạnh vô biên làm việc mãi không mệt. Giờ có thêm nhiều tình nguyện viên F0, mình có thêm nhiều sức mạnh để giúp bệnh nhân.
Duy Khánh chăm sóc bệnh nhân ở phòng cấp cứu
Giữa tiếng máy thở, tiếng lạch cạch vận chuyển bình oxy, Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1988, ngụ quận Bình Tân) nghe rõ những lời dịu dàng của Quang dành cho những ca bệnh cấp cứu.
Giường này Quang vừa động viên "hãy yên tâm bác nhé, hơi thở bác mạnh hơn rồi kìa, chỉ số oxy tăng rồi, bác cứ coi chúng cháu như con cháu trong nhà". Lướt nhanh qua giường bệnh nhân trẻ, Quang vồn vã: "Thấy chưa, mình khỏe rồi nè. Nhờ cả và y bác sĩ và nỗ lực của bản thân đấy. Cuộc sống tươi đẹp, rộn rã ngoài kia đang chờ, hãy vui lên để nhanh khỏe…".
Sau nửa tháng vật lộn với COVID-19, Quang đã thoát khỏi những ngày cam go. Anh cho biết: "Về nhà thì rồi sẽ nhớ và áy náy với các bác sĩ lắm nên khi có thông báo ra viện tôi đã xung phong ở lại nơi này và được chấp nhận ngay".
Quê tận Quảng Ninh, vào TP HCM học tập, khi biết mình trở thành F0, Nguyễn Duy Khánh (20 tuổi) thấy mình như rơi vào con đường đầy bóng tối. Mắt Khánh cứ hoa đi vì quá căng thẳng mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân chuyển nặng ngày càng nhiều hơn. Thậm chí có cả sự… ra đi vĩnh viễn vì quá nặng, dù các y bác sĩ đã nỗ lực đến tận cùng. Nhưng rồi, mọi ám ảnh đã được nhân viên y tế giúp xua tan đi. Khánh không còn sợ hãi nữa, bệnh chuyển nhẹ nhanh chóng và bình phục hoàn toàn.
BS Kim Kha chăm sóc bệnh nhân nặng trong phòng cấp cứu
"Những ngày điều trị cho đến lúc vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tôi luôn thấy các điều dưỡng lăn xả vào thay từng chiếc quần, xoa từng bàn chân, vuốt từng bắp tay, vỗ về bệnh nhân. Dịch truyền rồi thuốc sau đó nạp vào đều đều, người nọ nối tiếp người kia khỏe dần lên. Vậy nên không có gì phải sợ hết" - Khánh chia sẻ.
Từ vùng đất Tây Nguyên xuống bám trụ ở TP HCM làm việc và không quản sức lực ngày đêm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bác sĩ trẻ Bùi Thị Kim Kha bộc bạch: Thanh xuân của chúng tôi nguyện dành để chăm chút các bệnh nhân COVID-19 ở đây. Tôi cũng là người trực tiếp điều trị cho Minh Quang và Duy Khánh. Mình cứ dốc cả tâm lực cho người bệnh thì mọi gian khó rồi cũng vượt qua hết. Bản thân tôi đã hết thời gian điều trị ở đây (gần 2 tháng) đã được thông báo cho về đơn vị công tác cũ. Thế nhưng thương người bệnh quá, xung phong viết đơn xin ở lại".
Nhìn 129 người làm thủ xuất viện cuối ngày 11/9, BSCKI Lý Quốc Công hy vọng trong số những này lại có thêm những người tình nguyện quay lại phục vụ bệnh nhân nặng, cùng họ vượt qua và chiến thắng dịch bệnh.