Chia sẻ với truyền thông, nữ diễn viên Ngọc Lan cho biết tối 2/3, cô bất ngờ lên cơn đau bụng dữ dội, được người thân nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ tiến hành siêu âm, xét nghiệm và chẩn đoán cô bị sỏi thận.
Nữ diễn viên Ngọc Lan
"Trước đó, tôi không có dấu hiệu gì, vẫn khỏe mạnh bình thường. Tự nhiên tối qua lên cơn đau quằn quại. Tôi đau đến xây xẩm mặt mày, lăn lê bò trườn từ phòng ngủ ra phòng khách. May được người thân đưa đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ nói tôi bị sỏi thận 6 ly", nữ diễn viên phim Bán chồng nói.
PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức, cho hay sỏi tiết niệu là bệnh lý cực kỳ phổ biến, chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam, trong đó nam giới chiếm 60%. Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày tiếp nhận 25-30 bệnh nhân bị sỏi thận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, nhưng nguyên nhân đáng lưu ý là nhiều người sỏi thận do thói quen ăn uống. Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn điều này đồng nghĩa các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Cùng đó, thói quen uống ít nước, khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài điều này làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận.
Ngoài ra, một nguyên nhân lớn khác là do rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu và canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu (bình thường pH: 5,6 - 6,3), dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.
Đa số các trường hợp sỏi canxi không rõ nguyên nhân, một số tăng canxi do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng canxi niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng canxi, hạ phospho.
PGS.TS Đỗ Trường Thành khám, tư vấn cho người bệnh
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người đến khám và điều trị sỏi thận muộn. Trong khi đó, khi nhu mô thận giãn mỏng quá mức sẽ bị mất chức năng, thậm chí là vỡ, khi đó sẽ phải cắt thận. Không chỉ cắt 1 thận, có những bệnh nhân phải cắt cùng lúc 2 thận, những trường hợp này sẽ phải chạy thận liên tục hàng ngày và chờ ghép thận.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; viêm quanh thận xơ hoá; cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn...
Trường hợp sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây các cơn đau quặn thận, gây tắc nghẽn dấn đến ứ ước, ứ mủ thận, suy chức năng thận.
Để phòng bệnh và theo dõi sau điều trị sỏi thận, người dân cần có chế độ ăn uống nhiều nước khoảng 2 lít/ngày, hạn chế thức ăn nhiều canxi, oxalate như sữa, phomat, chè, hạn chế protit động vật.
PGS.TS Đỗ Trường Thành khuyến cáo khi có những dấu hiệu bệnh, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện có đủ chuyên môn chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như:
- Đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng được phát hiện sỏi thận khi khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.
- Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng.
- Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu.
- Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu: Bệnh nhân sốt cao 38o – 39oC, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết áp.
- Thăm khám lâm sàng thấy thận to đau khi sỏi thận gây tắc nghẽn ứ nước thận.
- Một số trường hợp bệnh nhân đến muộn khám thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc và ra da.