Dạo gần đây, dịch thuỷ đậu đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Dưới đây là cách hướng dẫn mẹ nhận biết sớm và chăm sóc bé tại nhà do ông Phạm Văn Đông - Giám đốc một Trung tâm tư vấn nhi khoa ở Hà Nội - chia sẻ.
1. Nguyên nhân và dịch tễ
- Do virus Varicella Zoster
- Bệnh xảy ra quanh năm, bị nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Chủ yếu bị ở trẻ em.
- 90% thường gặp ở trẻ dưới 13 tuổi đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo.
- Thuỷ đậu thường bị 1 lần do tạo miễn dịch vĩnh viễn. 1 vài trường hợp có thể bị lần 2 do có tổn thương ở hệ miễn dịch.
2. Nhận biết giai đoạn đậu mọc
- Có thể sốt nhẹ.
2.1. Theo dõi trên da
+ Hồng ban phẳng, hồng ban dạng sẩn gồ lên.
+ Bóng nước to nhỏ khác nhau, bóng đục bóng trong viền da màu hồng, kích thước 3-13mm, đa số có kích thước nhỏ hơn 5mm.
+ Những bóng nước lớn thường có đỉnh lõm xuống: điểm đặc trưng của bóng nước thuỷ đậu.
+ Bóng nước mọc nhiều ở các vùng da khác nhau: nhiều ở bụng, ngực, lưng, mặt, có thể xuất hiện toàn thân.
+ Bóng nước có thể mọc ở niêm mạc như: miệng, niêm mạc tiêu hoá gây nuốt đau, nôn, đau bụng.
+ Bóng nước già nhất là dạng đóng mày (vảy).
+ Nếu bóng nước tập trung chủ yếu ở tay chân, lòng bàn tay bàn chân thì cần phân biệt với bệnh tay chân
2.2. Diễn biến của tổn thương da
+ Ngứa nhiều. Cần cắt móng tay, rửa sạch tay tránh cào gãi nhiều sẽ làm vỡ bóng nước lây sang vùng da bên cạnh.
+ Bóng nước có thể vỡ, dễ bội nhiễm, hạch ngoại vi có thể sưng.
+ Hồng > bóng nước> bóng xẹp hay vỡ, có thể tạo sẹo.
+ Nếu nước trong bóng nước chuyển đục, con có thể sốt nhẹ là bóng nước bị bội nhiễm, dễ vỡ tạo sẹo, lúc này tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc dùng kháng sinh.
2.3. Diễn biến toàn thân: Con vẫn khoẻ, ăn chơi bình thường
3. Hướng dẫn mẹ theo dõi tại nhà
3.1. Chăm sóc tại chỗ
- Vệ sinh da bằng xanh methylen hoặc povidon iod. Nhiều mẹ có kinh nghiệm dùng hồ tinh bột cũng được.
- Vệ sinh xong giữ khô và giữ thoáng tránh vỡ bóng nước. Có thể dùng các loại kem bôi kháng khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngày vệ sinh và bôi 3-4 lần.
3.2. Xử trí ngứa da
- Nếu da con ngứa nhiều thì dùng thêm thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi tình trạng an thần và buồn ngủ của con.
3.3. Uống Kháng virus
- Mẹ dùng Acyclovir theo liều chỉ định của bác sĩ (nếu cần).
- Hiệu quả cao khi dùng ngay 48h đầu phát hiện.
4. Tăng đề kháng toàn thân
- Mẹ bổ sung vitamin tổng hợp cho con.
- Duy trì lượng ăn, uống nhiều nước.
- Không cần kiêng gì.
- Bệnh khỏi có thể để lại sẹo trên da chứ không để lại biến chứng gì.
Anh Phạm Văn Đông
5. Thông tin thêm mẹ cần nắm được
Virus gây ra thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (không khí) và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng. Khi bị thủy đậu cha mẹ nên cách ly con tại nhà cho tới khi khỏi hẳn để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Thời gian cách ly khoảng 7- 10 ngày từ lúc bắt đầu, phát hiện bệnh (phát ban), cho tới khi nốt phỏng nước khô vảy.
Khi bị thủy đậu, mẹ cần chú ý đến việc chăm sóc cá nhân cho con để bảo bảo vệ sinh như sau: Vệ sinh tay, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, vệ sinh chỗ ở sinh hoạt, không dùng chung đồ, làm sạch không khí bằng cách kiểm soát tốt nhiệt độ và độ ẩm phòng con ngủ (cách ly), hạn chế tiếp xúc với nhiều người trong thời gian nhiễm bệnh. Nếu cho con đi khám, cần cho con đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Hơn 90% các bé đã tiêm phòng thủy đậu sẽ không có khả năng lây nhiễm lần 2. 10% còn lại có thể bị lại sau khi tiêm chủng hoặc sau khi đã bị lần 1 nhưng đa phần triệu chứng nhẹ: với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Từ con số cụ thể này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất.
Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này. Vì thế, khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên chủ động tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai tối thiểu 1 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.