Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Theo dự báo, đợt nắng nóng này còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nắng nóng gay gắt khiến chỉ số tia UV ở Hà Nội đạt mức 7-9, mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Theo mức thang UV index do Tổ chức Y tế Thế giới quy định thì chỉ số tia UV từ ở mức 0-2 thì bạn có thể ở bên ngoài trời mà chỉ cần sử dụng kem chống nắng. Nhưng bạn cần phải đặc biệt bảo vệ làn da và sức khỏe của mình khi mức tia UV ở từ mức 8 trở lên, bởi vì đó là mức nguy hiểm có thể gây bỏng da sau 25 phút tiếp xúc. Cụ thể:
Tia cực tím A (UVA) có thể khiến da bị lão hóa
Tia UVA gây sạm da và nó là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư da (Ảnh minh họa).
Đầu tiên, tia UVA gây sạm da và nó là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư da. Tiến sĩ Anna Chien, Trợ lý giáo sư da liễu thuộc trường Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, tia UVA là tia cực tím mạnh, do đó nó sẽ xâm nhập vào da bạn sâu hơn tia UVB. Sự phơi nhiễm này làm tổn thương các tế bào ở phần trong cùng của lớp da trên cùng của bạn – nơi bệnh ung thư da xảy ra đầu tiên.
Do đó, da phải cố gắng ngăn ngừa tổn thương bằng cách làm tối màu dẫn đến sạm da. Và sau một thời gian dài tiếp xúc với tia UVA, da bạn bị lão hóa sớm, và nếu không được bảo vệ đúng cách, bạn sẽ có thể bị ung thư da.
Chưa kể, tia UVA có thể xuyên qua các cửa sổ và mây che phủ. Nó có mặt ở khắp mọi nơi và đây là tia cực tím chiếm đến 95% bức xạ UV đến trái đất. Những tia này duy trì cùng một mức độ sức mạnh trong nhiều giờ suốt cả năm, bất kể là mùa đông hay mùa hè. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều tiếp xúc với tia UVA ở mức độ cao dù bạn đang ở ngoài trời hay trong nhà.
Tia cực tím B (UVB) có thể gây ra tình trạng cháy da
Tia UVB thâm nhập và làm hỏng các lớp trên cùng của da gây ra hiện tượng cháy nắng (Ảnh minh họa).
Nếu tia UVA khiến da bạn sạm đen thì tia UVB thâm nhập và làm hỏng các lớp trên cùng của da gây ra hiện tượng cháy nắng, và trong một số trường hợp nghiêm trọng sẽ gây ra hiện tượng phồng rộp.
Tiến sĩ Anna cho biết thêm là cường độ tia UVB là dao động. Thông thường thì tia cực tím này sẽ mạnh nhất vào giữa buổi sáng cho đến giữa buổi chiều từ mùa xuân đến mùa thu trong vùng khí hậu ôn đới. Còn ở vùng khí hậu nhiệt đới, tia UVB có khả năng làm hỏng da bạn quanh năm, đặc biệt ở những vùng có độ cao.
Cách bảo vệ da trong những ngày nắng nóng cao điểm
Giáo sư Deborah S. Sarnoff - giáo sư Khoa Da liễu tại Trường Y New York, đồng thời là Chủ tịch của Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ, khuyến cáo mọi người nên sử dụng khẩu trang và quần, áo chống nắng dày đúng quy cách để ngăn tia UV.
Bạn nên sử dụng khẩu trang và quần, áo chống nắng dày đúng quy cách để ngăn tia UV (Ảnh minh họa).
"Khả năng bảo vệ của quần áo phù hợp theo thời gian và không bị bào mòn như kem chống nắng. Trên thực tế, có nhiều loại quần áo chống nắng vừa giúp bạn bảo vệ da mà vẫn thoáng khí. Bạn nên che da càng nhiều da càng tốt. Thêm vào đó, một chiếc mũ rộng vành sẽ giúp bạn che mắt, tai, mặt và cổ của bạn. Đồng thời đeo kính râm chống tia cực tím cũng bảo vệ mắt và da xung quanh chúng", Giáo sư Deborah khuyên.
Bên cạnh đó, bạn không nên ra ngoài trời từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều - giờ cao điểm của cường độ tia cực tím. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, bạn cần phải che chắn cẩn thận kèm với sử dụng kem chống nắng chỉ số SPF 50+.
Ngoài ra, Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ cũng chia sẻ bạn nên lưu ý sử dụng kem chống nắng thường xuyên, từ ban ngày đến lúc trời tối 2 giờ/lần, và hãy nhớ bôi kem trước khi ra nắng 20 phút. Nhưng tốt nhất, bạn nên chọn làm việc ở khu vực có bóng râm trong thời điểm nắng nóng cao độ để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.