4 vùng cần tránh khi cạo gió
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cạo gió hay đánh gió là cách thông qua hoạt động ma sát trực tiếp trên da giúp cho lượng máu tăng lên tỷ lệ thuận với tăng nhiệt lượng cục bộ tại vùng cơ thể chịu tác động. Da điều hòa nhiệt độ và điều hòa thân nhiệt bằng cách ra mồ hôi và phản ứng vận mạch. Cạo gió tạo môi trường thuận lợi cho các yếu tố cân bằng thân nhiệt, đào thải các yếu tố bất lợi qua mồ hôi, kích thích các chất có lợi như cholin nội sinh làm giảm mệt mỏi.Cạo gió làm tăng vi tuần hoàn nên có tác dụng giảm đau cục bộ.
Cạo gió thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị: cảm mạo; phục hồi sau đột quỵ não, đau dạ dày/hội chứng ruột kích thích/mất ngủ; các chứng đau như đau đầu, đau cơ; mắc bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, thống kinh.
Bác sĩ Vũ cho biết, những vị trí đánh gió an toàn là những vùng có lớp cơ dày như:
- Hai bên cổ, hai bên vai
- Hai bên thắt lưng, tỏa ra mạn sườn
- Nếu ho thì cạo dọc xương mỏ ác
- Nhức tay chân thì cạo dọc mặt ngoài cẳng tay, mặt ngoài chân.
Cạo gió khá an toàn và mang lại nhiều hiệu quả cho sức khoẻ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bác sĩ Vũ lưu ý cần tránh cạo gió những vùng sau:
- Vùng bụng, vùng thắt lưng của phụ nữ đang mang thai, đầu vú nữ giới
- Mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, môi, rốn
- Vùng có bệnh ngoài da, dị ứng da, lở loét, ung nhọt, vết thương chưa lành, chấn thương,...
- Thận trọng các vùng trên nền xương vì gây đau.
Trường hợp tuyệt đối không cạo gió
Bác sĩ Vũ lưu ý thêm, khi cạo gió không chọn vật sắc gây trợt da, chảy máu, nhiễm trùng, gây đau, co rút cơ. Đồng thời, cần chọn vật sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Cạo gió nếu làm nhẹ quá, chưa đủ đỏ và ấm thì không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu làm mạnh quá và nhiều sẽ gây trầy xước, bầm tím, bầm dập cơ và mạch máu, cơ thể sẽ mệt mỏi và mất quá trình hồi phục tổn thương.
Cạo gió cũng có những chống chỉ định rất rõ ràng. Các trường hợp người bệnh có các bệnh nền sau thì tuyệt đối không cạo gió:
- Người bệnh có xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan và các bệnh có xu hướng chảy máu;
- Người bệnh sốt xuất huyết;
- Người bệnh tim nặng xuất hiện suy tim;
- Người bệnh thận xuất hiện suy thận;
- Người bệnh xơ gan báng bụng, phù toàn thân.
"Cần thận trọng với người có nguy cơ cao bị đột quỵ (bềnh nền mạn tính: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, người cao tuổi), Khi thấy mệt mỏi, ngất xỉu, khó nói, yếu nửa người… cần đưa đi bệnh viện ngay, không nên mất thời gian cạo gió vì đó có thể là dấu hiệu đột quỵ", bác sĩ Vũ lưu ý.
Cạo gió là phương pháp dân gian rất được ưa chuộng. Nếu cạo gió đúng, cạo xong thấy người khỏe ngay. Do vậy, trước khi cạo gió cần quan sát người bệnh có say rượu hay không, hỏi người bệnh xem có quá no quá đói hay không. Người được cạo gió cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể tạo điều kiện cho ma sát làm nóng da và tiết mồ hôi, đồng thời cần mặc quần áo rộng, thoải mái. Chuẩn bị dụng cụ, ga giường sạch sẽ. Vị trí cạo gió cần kín gió, ấm áp, thoáng khí. Dặn người được cạo gió có khó chịu thì thông báo, đi vệ sinh trước khi cạo gió. Quan sát trước vùng da sẽ cạo gió.
Trong khi cạo gió, cần quan sát nét mặt của người được cạo gió, đắp khăn che phủ giữ ấm vùng không cạo gió.
Sau khi cạo gió nên uống một ly trà gừng giúp làm ấm người, lưu thông khí huyết, giữ ấm cơ thể, đồng thời nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.