Nỗi đau của người vợ khi 3 năm hai lần mất con
Anh Nguyễn Văn Thuyết (SN 1982) và chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1986) cùng quê Quảng Bình, lấy nhau năm 2010 sau hơn 3 năm tìm hiểu và yêu nhau. Chị Tuyết là giáo viên mầm non, còn anh Thuyết là lao động tự do, sau khi kết hôn, anh Thuyết vào TP.HCM làm việc, còn vợ tiếp tục ở lại quê nhà dạy học, chăm sóc nội ngoại 2 bên.
Đến năm 2013, anh Thuyết quyết định về quê để gần vợ và bắt đầu hành trình tìm con từ đó đến giờ. “Bản thân tôi là giáo viên mầm non, tiếp xúc, chăm sóc các cháu nhỏ hàng ngày mà bản thân lại chẳng có con. Vì thế, tôi động viên chồng về quê, với hy vọng vợ chồng gần nhau nhiều hơn, con sẽ sớm đến với mình hơn”, chị Tuyết tâm sự.
Bản thân chị Tuyết là giáo viên, tiếp xúc với trẻ thường xuyên nên khát khao làm mẹ của chị luôn cháy bỏng. Ảnh: NVCC.
Để sớm có con, hai vợ chồng dùng nhiều loại thuốc đông, tây y kết hợp nhưng kết quả chẳng được như mong đợi. Những năm sau đó, hai vợ chồng đi vào Huế, rồi TP.HCM thăm khám, các bác sĩ đều kết luận chồng bị tinh trùng yếu, đồng thời tư vấn nên điều trị bằng thuốc, bồi bổ sức khỏe để có con tự nhiên.
Nghe lời khuyên của bác sĩ, hai vợ chồng tuân thủ điều trị thuốc, bồi bổ sức khỏe và niềm vui đã đến. Năm 2016 và 2019, tin vui đã đến với hai vợ chồng, nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được lâu khi cả hai lần mang thai, chị Tuyết đều bị sảy thai khi mới được 3 tháng.
Trải qua hai lần mất con, nỗi đau giằng xé trong tâm trí hai vợ chồng. Chị Tuyết không hiểu vì sao khát khao về một đứa con lại khó với mình đến như vậy. Ngoài phải chịu nỗi đau sau 2 lần "lỡ hẹn" với con, chị Tuyết còn phải đối mặt với biết bao lời gièm pha ngoài xã hội. "Mình muộn con có người thương cảm thấu hiểu, động viên nhưng cũng không ít người nói những lời đau lòng lắm. Có người còn còn nói, người ta tàn tật còn đẻ được, sao vợ chồng lành lặn sao lại không có con…", chị Tuyết ngậm ngùi chia sẻ.
Tinh trùng yếu và dị dạng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới
Trước những lời gièm pha từ những người xung quanh, hai vợ chồng chỉ biết im lặng, chăm lo làm ăn, tiết kiệm tiền để ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, với mong muốn sớm hiện thực hóa giấc mơ được làm cha, làm mẹ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, đầu năm 2022, khi tiếp nhận và thăm khám cho hai vợ chồng, kết quả cho thấy anh Thuyết bị tinh trùng yếu và dị dạng nhiều. Muốn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cần phải tìm những con tinh trùng khỏe mạnh, kết hợp với trứng của chị Tuyết để tạo phôi đạt yêu cầu, rồi mới chuyển vào buồng tử cung.
Lý giải tình trạng người chồng gặp phải, bác sĩ cho biết, trung bình mỗi lần "lâm trận” nam giới có thể xuất tới hàng trăm triệu tinh binh, chúng cùng bơi ngược lên tử cung để tìm trứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm, lượng tinh trùng có trong tinh dịch rất ít, số lượng tinh trùng khỏe mạnh chỉ chiếm 1-2%. Lượng tinh trùng đã ít lại bị dị tật đầu, cổ, đuôi, khả năng di động kém là những bất thường phổ biến gây vô sinh nam giới. Những con tinh trùng vốn bị yếu này, lại bị dị dạng nên thường chết yểu trong những lần “xuất quân”.
Trước khi kết hôn hoặc khi lập gia đình, quan hệ tình dục bình thường từ 6 tháng đến 1 năm không có con, cả vợ và chồng hãy nhanh chóng đi khám vô sinh, hiếm muộn. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng dị dạng tinh trùng có rất nhiều, ví dụ như bất thường trong quá trình sinh tinh, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, lối sống không khoa học, thường xuyên bị stress, hút thuốc lá, nghiện rượu, bia…
Thông thường, để biết tinh trùng người đàn ông có khỏe mạnh hay không cần căn cứ vào 3 yếu tố chính:
- Thứ nhất là về số lượng: Để có thể thụ thai tự nhiên, mật độ tinh trùng cần trên 15 triệu/ml.
- Thứ hai là về chất lượng: Cần trên 4% lượng tinh trùng có hình dạng và cấu trúc bình thường. Đầu tròn bầu dục và đuôi dài giúp di chuyển dễ dàng về phía trước.
- Thứ ba là khả năng di chuyển: Trong một mẫu tinh trùng khỏe mạnh, khoảng 40% số tinh trùng có khả năng tự bơi và luồn lách giỏi để tham gia hành trình đi tìm trứng. Lượng tinh trùng có khả năng di chuyển tiến tới về phía trước yêu cầu tối thiểu là 32%.
Do vậy, việc đi khám tiền sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân hoặc khám vô sinh, hiếm muộn sau 6 tháng quan hệ bình thường mà không có con là rất quan trọng. Từ đó, bác sĩ phát hiện nguyên nhân, tư vấn kịp thời để sớm có con tự nhiên hoặc có biện pháp can thiệp để vợ chồng sớm được đón con yêu.
Quay trở lại với vợ chồng chị Tuyết, bác sĩ Hưởng cho biết, sau khi tạo được được 5 phôi tốt, bác sĩ đã thực hiện chuyển phôi, đồng thời tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cũng như động viên hai vợ chồng để có tâm lý thoải mái nhất. Sau 10 ngày chuyển phôi, tin vui đã đến khi chị Tuyến test que thử thai lên hai vạch. Hai tuần sau đi siêu âm, niềm hạnh phúc còn được nhân lên gấp bội khi bác sĩ thông báo, chị Tuyết mang song thai, hai "sinh linh" bé nhỏ đang lớn lên dần trong cơ thể.
Hai bé trai sinh đôi kháu khỉnh của vợ chồng chị Tuyết là món quà vô giá sau hành trình hơn 10 năm chạy chữa vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: NVCC.
Vượt qua nỗi lo lắng mất con ở 2 lần mang thai tự nhiên trước đây, lần này cả quá trình thai kỳ của chị Tuyết diễn ra thuận lợi. Tháng 10/2022 cặp song sinh Nguyễn Ngọc Bình An và Nguyễn Ngọc Phú Quý chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của đại gia đình nội ngoại hai bên. Mong ước có con của hai vợ chồng quê Quảng Bình cũng trở thành hiện thực, kết thúc hành trình hơn một thập kỷ “tìm con”.