Những người yêu bóng đá chắc hẳn không ai là không biết đến cái tên Arjen Robben, một cầu thủ vô cùng xuất sắc khoác lên mình biết bao màu áo của các câu lạc bộ nổi tiếng. Anh nổi lên từ câu lạc bộ Groningen tại giải vô địch Hà Lan. Người hâm mộ biết đến Arjen Robben với biệt danh “đôi chân pha lê”, bởi anh liên tục gặp chấn thương trong những giải đấu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Arjen Robben năm 20 tuổi từng mắc bệnh ung thư tinh hoàn. Nhờ phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời, cầu thủ chạy cánh người Hà Lan đã vượt qua bệnh tật. Robben sau đó trở thành ngôi sao nổi tiếng ở Chelsea, Real Madrid và Bayern Munich.
Theo các nhà khoa học, có rất nhiều yếu tố gây nên căn bệnh ung thư tinh hoàn. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: Tinh hoàn ẩn, tiền sử gia đình bị ung thư tinh hoàn, nhiễm HIV, đã từng bị ung thư tinh hoàn trước đây và do yếu tố chủng tộc.
Tinh hoàn ẩn
Một trong những yếu tố chính dẫn đến ung thư tinh hoàn là tinh hoàn ẩn. Điều này có nghĩa là một hoặc cả hai tinh hoàn không thể di chuyển từ ổ bụng vào bìu trước khi sinh. Những người mắc chứng tiểu đường có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn nhiều lần so với những người khác.
Bình thường, tinh hoàn phát triển bên trong bụng của thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Nhưng ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không di chuyển xuống trước khi được sinh ra. Một số trường hợp, tinh hoàn có sa xuống nhưng vẫn nằm ở vùng bẹn mà không thể xuống bìu.
Nguy cơ ung thư tinh hoàn có thể cao hơn một chút đối với những người đàn ông có tinh hoàn nằm trong ổ bụng thay vì tinh hoàn đã đi xuống ít nhất một phần.
Tiền sử gia đình
Nếu có cha hoặc anh trai bị ung thư tinh hoàn thì rất có thể thế hệ sau cũng mắc phải chứng bệnh này. Tuy nhiên, không phải đại đa số đều như vậy. Chỉ một phần rất ít nam giới mắc ung thư tinh hoàn có tiền sử gia đình mắc bệnh. Hội chứng Klinefelter là một bệnh di truyền cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Nhiễm HIV
Một số bằng chứng đã chỉ ra rằng những người đàn ông bị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người, đặc biệt là những người bị AIDS, có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao. Ngoài HIV thì không có bệnh nào khác được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Đã từng mắc ung thư tinh hoàn
Nếu đã từng mắc ung thư tinh hoàn thì bạn hoàn toàn có thể bị lại. Khoảng 3% hoặc 4% nam giới đã chữa khỏi ung thư ở một bên tinh hoàn, đến một lúc nào đó ung thư sẽ phát triển ở bên còn lại. Vì vậy, cần hết sức lưu ý duy trì thói quen sống lành mạnh, đảm bảo ung thư không thể tái phát.
Tuổi tác
Ung thư tinh hoàn xuất hiện ở mọi độ tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Tuy nhiên, một nửa số ca ung thư thường xảy ra ở nam giới có độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi.
Chủng tộc
Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn của người đàn ông da trắng cao gấp 4 đến 5 lần đàn ông da đen và người châu Á. Rủi ro đối với người da đỏ Mỹ nằm trong khoảng giữa người châu Á và người da trắng. Xét trên toàn thế giới, nguy cơi mắc ung thư tinh hoàn cao nhất ở nam giới sống ở Châu Âu và Mỹ, thấp nhất với nam giới sống ở Châu Á và Châu Phi.