Nhiều bạn trẻ thời nay thường có thói quen đeo kính áp tròng thay vì nhờ tới sự trợ giúp của cặp kính dày cộp. Tuy nhiên, kính áp tròng là thứ có thể tiếp xúc trực tiếp với đôi mắt nên luôn phải chú ý vệ sinh cẩn thận hơn. Theo tờ Daily Star đưa tin, một nam thanh niên 21 tuổi sống ở bang Florida (Mỹ) đã gặp phải tình trạng mắt đỏ hoe kèm theo hiện tượng đau dữ dội rồi mắt mờ dần chỉ vì quên tháo kính áp tròng khi ngủ trưa.
Anh chàng này tên là Mike Krumholz, hôm đó chàng trai này đã đeo kính áp tròng và ngủ trưa trong khoảng 40 phút. Sau khi ngủ dậy, Mike thấy mắt cộm, ngứa rất khó chịu và ngay lập tức đã tháo kính áp tròng ra. Tới sáng hôm sau, Mike vẫn thấy khó chịu bên mắt phải và anh thấy rất đau mắt. Lo sợ mắt bị nhiễm trùng nên Mike đã tới khoa mắt ở bệnh viện để kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ phán đoán Mike bị nhiễm virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) nên chuyển anh tới phòng điều trị chuyên khoa. Chàng trai này đã phải gặp qua 5 bác sĩ nhãn khoa và 2 bác sĩ chuyên khoa giác mạc kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau để điều trị. Điều đáng lo là tình trạng mắt của Mike không cải thiện mà thậm chí còn bắt đầu xấu hơn. Một tháng sau, anh đến khoa mắt trực thuộc Đại học Miami (Mỹ) và được kết luận bị viêm giác mạc do ký sinh trùng Acanthamoeba gây ra. Loại ký sinh trùng này khi xâm nhập vào mắt sẽ bắt đầu ăn các mô trong mắt. Một số báo cáo còn chỉ ra rằng, Acanthamoeba chủ yếu tồn tại trong nước biển, nước hồ, nước máy, đất và hệ thống điều hòa không khí. Khi nó xâm nhập vào cơ thể người qua nước mắt hoặc vết thương có thể gây nhiễm trùng.
Lúc này, giác mạc của Mike đã bị đục, gần như mất thị lực hẳn một bên mắt phải và sau này anh phải ghép giác mạc.
5 điều cần lưu ý khi đeo kính áp tròng mà những ai có thói quen đeo kính áp tròng nhất định phải nắm rõ
1. Người bị dị ứng không nên đeo kính áp tròng
Những người bị viêm mũi dị ứng nghiêm trọng, hen suyễn và các bệnh khác không nên đeo kính áp tròng. Vì tình trạng mắt đỏ, ngứa, khô và các triệu chứng khác dễ xuất hiện khi đeo món đồ này. Đặc biệt là vào mùa xuân và mùa hè, người bệnh còn dễ gặp phải các biến chứng như dị ứng, viêm kết mạc.
2. Không đeo khi chơi thể thao, vận động mạnh
Nếu bạn tham gia các môn thể thao cường độ cao như bơi lội, đá bóng, chạy... thì tốt nhất không nên đeo kính áp tròng. Việc đổ mồ hôi khi tập thể dục có thể khiến kính áp tròng trượt khỏi vị trí mắt, từ đó dễ gây khó chịu cho đôi mắt.
3. Không đeo kính áp tròng khi ngủ
Không nên đeo kính áp tròng khi ngủ vì điều này sẽ làm tăng căng thẳng cho mắt và có thể gây khô và tổn thương mắt.
4. Không đeo kính áp tròng khi mắt bị nhiễm trùng
Không nên đeo kính áp tròng khi mắt bị nhiễm trùng, vì kính áp tròng có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng, gây viêm nhiễm và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác.
5. Phụ nữ mang thai không nên đeo kính áp tròng
Khi mang thai, nồng độ nội tiết tố của phụ nữ thay đổi và nhiều người còn bị khô mắt. Điều này có thể là do sự thay đổi nồng độ hormone và mất nước trong cơ thể nên dễ gây mất an toàn khi đeo kính áp tròng.
Nguồn và ảnh: Daily Star, Twitter, Beauty Ulifestyle