Anh Lý, 32 tuổi hiện sống tại Trung Quốc, mỗi ngày anh thường dành ra 2 tiếng đồng hồ để chạy bộ rèn luyện sức khỏe, trong khi chạy anh thường có thói quen nghe nhạc, và điều này được anh Lý duy trì đều đặn suốt 3 năm qua.
6 tháng trước, anh Lý bắt đầu thấy hiện tượng ù tai và mất thính lực, khi tới chuyên khoa Tai Mũi Họng thuộc bệnh viện Nam Phương ở Quảng Châu (Trung Quốc) khám thì được chẩn đoán là mất thính giác thần kinh tần số cao ở cả hai tai.
Theo anh kể, tình trạng ù tai xảy ra khoảng 6 tháng trở lại đây, trong thời gian chạy bộ, anh thường xuyên nghe nhạc để thư giãn và nghe với âm lượng lớn, triệu chứng ù tai cứ tăng dần lên và không thuyên giảm được, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và công việc của anh.
Do bỏ qua thời điểm vàng phát hiện ra bệnh nên sau 3 tháng điều trị, các triệu chứng ù tai, suy giảm thính lực vẫn không thuyên giảm, cuối cùng người ta tiến hành lắp máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe của anh Lý.
Ở tuổi đời còn rất trẻ, mà phải nhờ tới sự hỗ trợ của máy trợ thính, thứ thiết bị mà tưởng chừng chỉ dành cho người già. Điều đáng báo động là xu hướng này đang ngày càng trẻ hóa.
Tiểu Tề 22 tuổi mới bắt đầu đi làm, nhân ngày nghỉ cậu dành thời gian rảnh rỗi “cày” phim thâu đêm suốt sáng, xem xong phim thấy người rất mệt, nhưng lỗ tai thì không nghe thấy người nhà nói, bác sĩ nói trường hợp của Tiểu Tề là trường hợp điếc đột ngột.
Ngoài Tiểu Tề, còn có một phụ nữ khoảng 30 tuổi, và cậu bé 13 tuổi. Người phụ nữ khoảng 30 tuổi thức khuya để xem các chương trình truyền hình và cô có thói quen sử dụng tai nghe trong thời gian dài, còn cậu bé 13 tuổi chơi game trong bảy hoặc tám giờ ở nhà.
“Không giống như trước đây, các vấn đề về suy giảm thính lực hầu hết các bệnh nhân đều lớn tuổi, gần đây bệnh nhân tới thăm khám đang ngày càng trẻ hóa” Ngô Hiểu Phi, phó trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện trực thuộc Đại học Dương Châu (Trung Quốc) cho biết.
Sử dụng tai nghe không đúng cách tác hại khôn lường
Lý Kỳ, giám đốc khoa Tai Mũi Họng chi nhánh Bệnh viện Nam Phương (Trung Quốc) cho biết, việc sử dụng tai nghe không đúng cách trong thời gian dài sẽ dễ gây ra những tổn thương sau cho tai:
1. Đeo tai nghe để nghe nhạc trong thời gian dài có thể khiến bạn bị điếc sớm hơn khoảng 30 năm, vì không biểu hiện rõ ràng như điếc đột ngột nên các dấu hiệu giảm thính lực thường chúng ta sẽ bỏ qua và không có biện pháp chăm sóc y tế kịp thời.
2. Gây ù tai, trong tai có tiếng ồn dai dẳng hoặc ngắt quãng như tiếng vo ve, tiếng kêu... Khi các triệu chứng rõ ràng có thể ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ và nghỉ ngơi của người bệnh.
3. Thường xuyên bị chóng mặt, nhức đầu, thậm chí đau tai khi chạm vào, có thể dẫn đến rối loạn thể chất và tinh thần trong trường hợp nghiêm trọng.
Khi âm lượng mà tai người nghe được vượt quá 85 decibel, nó có thể gây mệt mỏi thính giác trong thời gian dài. Âm lượng của tai nghe nói chung là khoảng 84 decibel và một số dải tần số cao có thể lên tới 120 decibel.
Âm thanh quá lớn và thời gian nghe quá lâu mỗi lần sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh thính giác, gây kích thích và rối loạn chức năng thần kinh tự chủ. Những trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến các triệu chứng như chán ăn và mất ngủ.
Bảo vệ đôi tai khỏe mạnh, cần tuân thủ những nguyên tắc sau
1. Nắm vững nguyên tắc 60-60:
Những người thường xuyên đeo tai nghe nên nắm vững nguyên tắc "60-60", đây cũng là một phương pháp bảo vệ thính giác được quốc tế công nhận. Tức là khi nghe nhạc, âm lượng không được vượt quá 60% âm lượng tối đa, và thời gian nghe liên tục không quá 60 phút.
2. Chọn môi trường ít tạp âm
Cố gắng nghe nhạc trong một môi trường yên tĩnh, bởi một khi môi trường bên ngoài trở nên ồn ào, hiệu ứng đầu ra của tai nghe sẽ bị nhiễu ở các mức độ khác nhau, ngược lại trong môi trường yên tĩnh, nhiễu bên ngoài nhỏ và âm lượng tự nhiên được điều chỉnh tương đối nhỏ.
3. Chọn tai nghe phù hợp
Khi mua tai nghe, nên chọn một số tai nghe có thể chặn tiếng ồn bên ngoài điều này tránh cho chúng ta có thói quen tăng âm lượng để át đi tiếng ồn xung quanh.
Tốt nhất nên chọn loại tai nghe chụp vào đầu, loại tai nghe này ít gây hại cho thính giác hơn so với tai nghe nhét tai.
4. Giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ
Chú ý tránh để nước vào ống tai, không ngoáy tai bừa bãi để giảm tổn thương và nhiễm trùng, nếu có nhiều ráy tai có thể đến bệnh viện chuyên khoa để vệ sinh ống tai thường xuyên.
Nguồn: Yangsheng.eastday, Pinterest