Tập thể dục bằng cách chạy bộ là phương pháp được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe, bởi đây là bài tập thể dục đơn giản, tăng sức bền, ổn định vóc dáng. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chạy bộ không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại, thậm chí còn rút ngắn tuổi thọ của bạn.
Theo các chuyên gia y tế, thực tế trên thế giới hay tại Việt Nam đã xảy ra nhiều trường hợp trường hợp tử vong trên đường chạy do đột quỵ tim và đột quỵ não. Những trường hợp này nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng có thể có bệnh lý tiềm ẩn. Họ có thể mắc các bệnh bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não... mà không biết. Khi họ hoạt động với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng của tim, mạch, hô hấp… dẫn đến biến chứng.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn không nên chạy bộ tập thể dục
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, chuyên gia khuyến cáo trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực.
Nếu trong quá trình chạy, bạn thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường mà không xuất hiện ở trong các buổi tập; nhịp tim nhanh lên một cách bất thường, không đúng với việc gắng sức (theo dõi qua đồng hồ thể thao); cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường... đều là những dấu hiệu cảnh báo bạn nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kĩ lưỡng.
5 sai lầm khi chạy bộ tập thể dục dễ gặp nguy hiểm
Khởi động không đúng cách
Nhiều người cho rằng chạy chính là khởi động nên thường không khởi động hoặc khởi động không đúng cách. Tuy nhiên, việc khởi động trước khi chạy bộ có thể giúp việc tập luyện trở nên dễ dàng hơn, tránh được các chấn thương.
Nên bắt đầu chạy với việc đi bộ chậm trong 5 phút sau đó nhanh hơn.
Chạy bộ quá nhanh
Chạy bộ quá nhanh là một trong những sai lầm điển hình của người mới chạy bộ. Việc chạy bộ quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ chấn thương và gây mệt mỏi cho người tập. Điều quan trọng nhất trong chạy bộ là duy trì tập luyện đều đặn và không tập quá sức ở mỗi buổi tập.
Ảnh minh họa
Tập luyện quá sức
Nhiều người quá mong mỏi hiệu quả của việc chạy bộ nên đã dành nhiều thời gian để luyện tập. Điều này dẫn đến hiệu suất giảm sút hoặc trì trệ vì cơ thể không thể theo kịp sự thích nghi, khiến cơ thể bị đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, dễ dẫn đến chấn thương, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng và thay đổi tâm trạng.
Chạy bộ không đều
Nhiều người khi mới chạy bộ thường chăm chỉ luyện tập trong một tuần đầu, sau đó nghỉ cả tuần tiếp theo, rồi mới bắt đầu chạy lại. Tuy nhiên, đây là một sai lầm.
Để đạt được hiệu quả của việc chạy bộ cần luyện tập thường xuyên. Tốt nhất nên chạy 3 lần/tuần, khoảng 30 phút/lần.
Không kiểm tra sức khỏe trước khi bắt đầu chạy
Nhiều người cho rằng việc chạy bộ đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với một số trường hợp cụ thể như thừa cân, ốm yếu hoặc trên 65 tuổi và hiếm khi tập thể dục… nên được bác sĩ kiểm tra trước khi bắt đầy tập chạy bộ lần đầu tiên.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong trong thể thao là do người tham gia không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Chạy bộ tập thể dục bao nhiêu là đủ?
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ khuyến cáo khoảng thời gian tốt nhất để chạy bộ nên 2-3 giờ mỗi tuần. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng tốc độ tối ưu khi chạy bộ mà chúng ta nên duy trì là 8km/h, tần suất không quá 3 lần/tuần và đương nhiên tổng số thời gian để chạy bộ không nên quá 2,5 giờ.
Để nói về độ an toàn cho 1 ngày chạy bộ bao nhiêu km thì an toàn?. Các chuyên gia khuyến cáo, nên duy trì chạy 3km mỗi ngày có đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngược lại, đối với những người chạy bộ trên 3 lần/tuần, chạy quá sức với tốc độ trên 11km/h thì có tỷ lệ tử vong cao hơn và giống như những người không luyện tập. Điều này cho thấy, mọi thứ nếu lạm dụng quá đều sẽ gây ra những bất lợi, không phải cứ tập thể dục nhiều là tốt, mà chúng ta cần tập tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mình và tập đúng cách như vậy mới đem lại hiệu quả tốt nhất.