Khi nhắc đến một căn bệnh gây suy giảm tuổi thọ của người bệnh, thì hẳn ung thư hay tiểu đường sẽ là những căn bệnh được nhắc đến nhiều nhất. Xong thực tế, xương khớp mới là căn bệnh phổ biến hơn cả.
Ở dân văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh về xương khớp lên đến hơn 65%, các triệu chứng của bệnh có khi là những cảm giác chủ quan như đau, tê buốt, co cứng, mỏi, hoặc có khi là những biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài như yếu sức cơ, hạn chế cử động, biến dạng hay nặng nề hơn là mất chức năng.
Thói quen ăn uống vô tội vạ, thiếu khoa học chính là nguyên nhân chính gây ra béo phì. Không chỉ xương khớp, béo phì còn là nguyên nhân khiến chúng ta đối mặt với nhiều bệnh tật.
Theo các bác sĩ, không nên ăn quá nhiều bún, phở, hủ tiếu, pizza… vì đây là những dòng tinh bột tinh luyện với rất nhiều năng lượng nhưng lại vô cùng ít chất xơ và các vitamin, khoáng chất.
Thay vào đó, mọi người nên ăn khoai lang, ngô, lạc luộc và sắn. Kết hợp dinh dưỡng từ rau quả, cá tươi và duy trì vận động thể chất mỗi ngày.
Dưới đây là 3 loại rau củ quen thuộc trong vườn nhà của người Việt có tác dụng rất tốt với xương khớp. Bất kể bạn già hay trẻ, việc tận dụng những loại rau củ này đều đem lại những hiệu quả rất tốt.
3 loại rau củ trong vườn là thuốc quý cực tốt cho xương khớp
1. Củ riềng
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y riềng là loại củ có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị. Có nhiều tác dụng trong việc chữa khó tiêu, hắc lào, lang ben, tiêu chảy, ho, viêm họng, đau xương khớp...
Riềng được mệnh danh là thứ "gia vị của cuộc sống", có giá vài ngàn đến vài chục ngàn/kg. Giá "rẻ như cho" nhưng không phải ai cũng biết riềng là một loại "thuốc quý" mang nhiều đặc tính chữa bệnh, bao gồm cả hỗ trợ chữa bệnh viêm khớp.
Củ riềng được biết đến với khả năng chống viêm vượt trội nên nó vô cùng có lợi trong điều trị viêm khớp. Ngoài ra, các chất chống viêm như gingerol có trong riềng có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, riềng là loại củ có tính nóng nên phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng kẻo làm ảnh hưởng đến thể trạng.
2. Lá xương sông
Trong mùa Đông, thật thiếu sót nếu các gia đình không cất sẵn một nắm lá xương sông trong nhà, vừa dùng làm gia vị trong nấu nướng, vừa dùng để trị bệnh cực hiệu quả.
Lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) nói: Theo Đông y, xương sông có vị hơi cay, tính ấm, không độc, thường được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, trúng phong hàn, cấm khẩu, ho suyễn, viêm họng, nôn mửa, đầy bụng, mẩn ngứa.
Đặc biệt, lá xương sông còn được tận dụng để làm nguyên liệu cho các bài thuốc trị đau xương khớp.
1. Chữa tê nhức tứ chi: Uống nước sắc hạt xương sông mỗi ngày 15 - 20g chữa đầu ngón tay chân tê dại và mất cảm giác, lạnh tay chân…
2. Trị chứng thấp khớp, đau nhức: Lấy 1 nắm lá xương sông (5-10 lá), đem đi rửa sạch, giã nát, xào nóng, bọc vải sạch chườm vào chỗ sưng đau, rất hiệu nghiệm.
Lưu ý: Chỉ có tác dụng khi thuốc còn ấm, nếu nguội thì bệnh nhân nên xào nóng lại hoặc sử dụng thuốc khác.
3. Lá tía tô
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết: Tía tô vị cay, tính ấm, vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo.
Ít ai ngờ rằng loại lá nhỏ bé như tía tô lại có chứa đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm rất cao. Không những có tác dụng giảm đau khớp mà còn phòng ngừa các bệnh về xương khớp.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp và đang mắc một số bệnh xương khớp khác nếu uống nước lá tía tô có thể giảm đau và giảm các triệu chứng nguy hiểm của bệnh.