Chị H.T.N (40 tuổi, ở Hà Nội) vừa phải đến bệnh viện để kiểm tra và khám phụ khoa do bị rong kinh kéo dài suốt 20 ngày. Theo chia sẻ của chị N., dù vẫn quan hệ tình dục đều đặn, nhưng chị chỉ dùng bao cao su để tránh thai, không đặt vòng, uống thuốc hay sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác vì sợ thay đổi nội tiết, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Qua theo dõi, hàng tháng chu kỳ kinh nguyệt của chị N cũng không đều, vì thế khi bị rong kinh, chị vô cùng lo lắng.
Tại bệnh viện, sau khi khám phụ khoa, bác sĩ phát hiện máu đỏ thẫm chảy từ buồng tử cung, cổ tử cung không có polyp, không sang chấn đường sinh dục. Siêu âm đầu dò âm đạo ghi nhận nội mạc tử cung dày, có nhân xơ ở thành trước eo tử cung nhưng đã tồn tại từ vài năm trước. Kết quả siêu âm loại trừ các bệnh lý gây rong kinh như: tụ dịch trong buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung, polyp tử cung và u xơ dưới niêm mạc.
Bác sĩ đã thực hiện thủ thuật hút buồng tử cung để cầm máu và gửi mẫu để làm giải phẫu bệnh, kết quả cho thấy quá sản nội mạc tử cung điển hình. Dựa trên các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán xác định: rong kinh do tăng sinh nội mạc tử cung điển hình.
Hình ảnh siêu âm cho thấy niêm mạc tử cung dày 16mm, tử cung không đều, có nốt giảm âm kích thước 16x15mm, bờ đều và ranh giới rõ ràng. Ảnh: BSCC.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nội tiết, kháng sinh và tư vấn đặt dụng cụ tử cung chứa thuốc nội tiết. Hiện bệnh nhân đã ổn định, hết ra máu âm đạo. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi chu kỳ kinh và tình trạng rong kinh, dùng thuốc nội tiết trong 6 tháng. Sau 6 tháng, bệnh nhân được hẹn tái khám lại, nếu bệnh chưa thoái lui, sẽ được hướng dẫn điều trị, theo dõi tiếp. Trường hợp bệnh nhân đủ con, bệnh tiến triển đặc biệt có thể phải xem xét cắt tử cung.
Bác sĩ chuyên khoa sản Đỗ Thu Huyền cho biết, rong kinh là tình trạng hành kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng máu mất đi vượt quá 80ml/chu kỳ kinh nguyệt, gây mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí thiếu máu. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Rong kinh có thể xuất phát từ các nguyên nhân thực thể như polyp niêm mạc tử cung, lạc nội mạc cơ tử cung, u xơ tử cung, các tổn thương ác tính, tăng sản; hoặc các nguyên nhân cơ năng như rối loạn đông máu, rối loạn phóng noãn, tác dụng phụ của thuốc nội tiết, vòng tránh thai hoặc các nguyên nhân không phân loại được.
Rong kinh kéo dài nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe chị em. Ảnh minh họa.
Cũng theo bác sĩ Huyền, trường hợp của bệnh nhân trên, rong kinh là do tăng sinh nội mạc tử cung điển hình. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rong kinh ở phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ từ 40-50 tuổi, khi sự thay đổi hormone trong cơ thể bắt đầu ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Tăng sinh nội mạc tử cung là sự phát triển quá mức của lớp niêm mạc tử cung, chủ yếu do sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone. Sự gia tăng estrogen mà không có đủ sự đối kháng từ progesterone làm dày lớp niêm mạc tử cung, gây ra triệu chứng rong kinh.
Mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất gây rong kinh, nhưng tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung, đặc biệt là tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình.
Bác sĩ Huyền khuyến cáo, phụ nữ gặp phải tình trạng rong kinh kéo dài nên đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Sản - Phụ khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời. Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ tránh biến chứng ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.