Trên thực tế tại nơi làm việc BS Đức chia sẻ rằng đã gặp nhiều trường hợp "Chồng hút thuốc lá vợ ung thư phổi" hay "Con hút thuốc lá mẹ ung thư phổi".
Điển hình là chị N.T.H. 54 tuổi đến khám với các biểu hiện ho uống thuốc mãi không khỏi và gần đây hay tức ngực. Sau khi khám, thông qua hình ảnh X-quang phổi của bệnh nhân, bác sĩ đã phát hiện có 2 đám mờ, nghi ngờ 1 khối u ở phổi phải, 1 khối u ở vùng trung thất. Bác sĩ lập tức cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để làm rõ chẩn đoán. Kết quả phát hiện 2 khối nghi ngờ trên ảnh chụp. Tiếp đó, bệnh nhân N.T.H đã thực hiện các xét nghiệm và sinh thiết, kết quả chẩn đoán ung thư phổi đã di căn.
Khi nhận được kết quả chẩn đoán chị H trong tâm trạng lo lắng vì con còn chưa đến tuổi trưởng thành. Chị tâm sự, mình là người sống nhiều năm trong môi trường hút thuốc lá thụ động do chồng nghiện thuốc lá lâu năm. Chị bày tỏ lo lắng liệu rằng con của chị có mắc bệnh giống chị không? Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp "Chồng hút thuốc lá vợ ung thư phổi" được ghi nhận lại ở phòng khám- BS Đức chia sẻ. Ung thư phổi liên quan rõ ràng đến hút thuốc lá chủ động và thụ động
Cũng theo BS Đức, ở nước ta dù nhận thức về tác hại thuốc lá đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người hút thuốc lá trong nhà, trong phòng làm việc làm khói thuốc lá tồn lưu trong không gian kín khiến những người xung quanh phải hút thuốc lá thụ động.
"Khi đi đường chúng ta dễ dàng thấy người lái xe, một tay chìa ra ngoài hút thuốc lá hoặc đang chở vợ con phía sau vẫn hút thuốc lá phì phèo... Do vậy, mặc dù phụ nữ không hút thuốc lá mà bị ung thư phổi là do hút thuốc lá thụ động"- BS Đức giải thích.
Theo các chuyên gia, ung thư phổi loại ung thư thường gặp và bệnh có tiên lượng rất xấu, gây tử vong cao cho cả hai giới.
TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
Rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy ung thư phổi liên quan nhân quả rõ ràng đến hút thuốc lá chủ động và thụ động. Theo BS Đức, khi chẩn đoán chụp CT phổi liều thấp chắc chắn tốt hơn chụp X-quang trong tầm soát ung thư phổi và cần lưu ý như sau:
- Nếu đối tượng đang và đã hút thuốc lá 2 gói/ngày và trên 10 năm hoặc 1 gói/ ngày và trên 20 năm.
- Hiện tại đã bỏ hút thuốc lá < 15 năm nhưng trong quá khứ đã hút lá 2 gói/ngày và trên 10 năm hoặc 1 gói/ ngày và trên 20 năm.
- Hút thuốc lá thụ động thì căn cứ theo số năm tiếp xúc khói thuốc lá. Ví dụ chồng hút bao nhiêu năm thì tính là người vợ hút thuốc lá trong bấy nhiêu năm.
- Bình thường độ tuổi cần tầm soát 50-80 tuổi. Nếu hút thuốc lá ở độ tuổi càng trẻ thì lại càng phải tầm soát sớm < 50 tuổi.
- Khi tầm soát cho chồng thì nhất định phải tầm soát cho tất cả các đối tượng người thân như vợ, cha mẹ… nếu người hút thuốc lá chủ động hút thuốc lá trong nhà, khuôn viên hẹp, thông khí kém, xung quanh người thân.
- Khi người hút thuốc lá thụ động như vợ, mẹ bị ung thư phổi và người thân có hút thuốc lá thì người này cũng cần được tầm soát bằng CT phổi liều thấp.
- Người có người thân trực hệ bị ung thư phổi cũng cần phải tầm soát. Vì khoảng 8% tổng số ca ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền.
Ung thư phổi liên quan rõ ràng đến hút thuốc lá chủ động và thụ động
Theo bác sĩ Đức các tổn thương phổi trên các đối tượng nguy cơ thường phát triển rất nhanh. Khi tổn thương chưa hình thành u rõ và ngoài khả năng sinh thiết thì cần phải đánh giá lại bằng chụp CT phổi liều thấp trong vòng 3 tháng chứ không phải là 6 tháng hay 1 năm.
"Các tổn thương kính mờ khu trú thường sẽ tạo khối và dạng u rất nhanh trong khoảng 3 tháng – 12 tháng và chậm nhất là 1-2 năm. Do đó khi có tổn thương kính mờ trên các đối tượng nguy cơ lại càng phải theo dõi chặt chẽ" –BS Đức nói.
Vì vậy, bỏ thuốc lá không những tốt cho sức khỏe của chính người hút mà còn là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng. Nếu hút thuốc lá thì tuyệt đối không hút thuốc lá nơi đông người, chỗ công cộng, không đứng gần người già, phụ nữ, trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương do khói thuốc lá, BS Đức khuyến cáo.
Hình ảnh tổn thương do ung thư phổi
Ung thư phổi biểu hiện như thế nào? Theo các chuyên gia y tế, ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển nặng, tùy thuốc vào vị trí, kích thước, độ xâm lấn của khối u mà xuất hiện dấu hiệu cụ thể như: - Ho kéo dài: Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường. Tuy nhiên với ung thư phổi, tình trạng ho diễn ra trong thời gian dài, liên tục khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. - Ho ra máu: Đây cũng là triệu chứng điển hình của ung thư phổi. Khó thở hoặc thở khò khè: Người bệnh ung thư phổi thường gặp khó khăn khi thở: khó thở hoặc thở khò khè. Vì thế người bệnh cần đi khám ngay khi có biểu hiện này để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. - Đau ngực: Thành ngực có rất nhiều sợi thần kinh kết nối với nhau, do đó khi khối ung thư phổi xâm lấn vào ngực hoặc cột sống sẽ gây ra đau tức ngực. Cơn đau có thể nặng hơn về buổi tối, khi thở sâu, ho, hắt xì hoặc cười thì rất đáng lưu ý. - Mệt mỏi, gầy sút cân: Nếu không áp dụng bất cứ biện pháp giảm cân nào mà cân nặng vẫn thay đổi thì bạn nên lưu ý vì nó có thể là dấu hiệu mắc bệnh ung thư. |