Trái ngược với không khí nhộn nhịp người vào ra thăm khám như các bệnh viện lớn, Bệnh viện 09 nằm bên đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) vắng người qua lại, có khi cả ngày cũng chỉ lác đác vài bệnh nhân ngoại trú đến khám, lấy thuốc rồi về.
Những "nữ thiên thần" áo blouse trắng ở Bệnh viện 09 - Clip: Nhật Anh - Anh Ngọc
Ngôi nhà cuối cùng của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Tại khu vực khám bệnh, nữ bác sĩ Bùi Thị Thanh Hoa, hiện đang công tác tại khoa Lao và nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Dương đang kiểm tra sức khỏe cho người đàn ông 45 tuổi quê Thanh Trì (Hà Nội) - bệnh nhân nội trú đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại Viện 09. Người đàn ông này vừa chuyển về từ bệnh viện khác, sức khỏe ổn định nhưng phần chân phải liên tục đau nhói khiến việc đi lại, sinh hoạt của bệnh nhân vô cùng khó khăn.
Khung cảnh đìu hiu, cô quạnh trong một phòng bệnh
Trong buồng bệnh, anh Bùi Văn Huy (45 tuổi, quê Thanh Trì), cho biết anh nhiễm HIV từ năm 2012, đây là cái giá phải trả cho sự nông nổi của bản thân. Tại đây, anh Huy không có người thân chăm sóc, nằm viện một mình.
“Tuổi trẻ, bạn bè dụ dỗ vào con đường hút chích, sau đó không biết tôi bị nhiễm HIV từ khi nào nữa. Chỉ nhớ, năm 2012 trong một lần khám bệnh, tôi gục xuống khi nhận kết quả xét nghiệm. Đây cũng là cái giá tôi phải trả cho tuổi trẻ nông nổi. Mong rằng các bạn trẻ không đi vào ‘vết xe đổ’ giống tôi”
Anh Huy thở dài, nói
Vừa thăm khám cho anh Huy, bác sĩ Hoa cho biết, các trường hợp điều trị tại đây khá phức tạp, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, tâm lý bất ổn, cô đơn vì "bị xem như món nợ". Các bác sĩ Viện 09 không ít lần phải đứng hàng giờ để thuyết phục bệnh nhân hợp tác điều trị để duy trì sự sống.
"Nơi đây luôn là nơi ‘đầu sóng, ngọn gió’, vừa là nhà vừa là nơi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.” Nữ bác sĩ Hoa nói.
Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, tâm lý bất ổn, cô đơn vì "bị xem như món nợ".
Chỉ cần đọc tên bệnh viện, mọi người đều xa lánh...
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, cô gái trẻ Bùi Thị Thanh Hoa không ngần ngại nộp đơn xin làm bác sĩ tại Bệnh viện 09 - nơi mà đa số đồng nghiệp đều "lảng tránh".
“Khi gia đình hay tin mình sẽ làm việc tại Bệnh viện 09, dù không phản đối nhưng bố mẹ lại không hài lòng. Bởi, bản thân là con gái, làm việc tại một nơi “nhiều người nghe tên phải khiếp sợ đến vậy”, bố mẹ lo sợ quá nhiều rủi ro, cùng với đó sẽ không lấy được chồng.
Khi đó, hàng ngày mình đều phải động viên bố mẹ, thuyết phục bằng những kiến thức y học về đảm bảo an toàn, sức khỏe bản thân. Sau vài tháng, bố mẹ cũng nở nụ cười đối với môi trường con gái đang công tác.” Bác sĩ Hoa nói.
Hơn 1 năm làm việc tại Bệnh viện 09, bác sĩ Hoa vẫn không giấu nổi nỗi buồn: “Chúng tôi đều có khả năng lây bệnh, rủi ro nghề nghiệp cao. Hầu hết họ nghiện ma túy nên tuân thủ điều trị kém. Khi lên cơn, họ đập phá, tấn công cả nhân viên y tế. Vì thế, cửa kính các phòng phải liên tục thay, rất nguy hiểm. Bệnh nhân thì phức tạp, thường xuyên đe dọa anh em.
Chẳng riêng gì những người mang trong mình căn bệnh HIV mới bị phân biệt đối xử, ngay cả chúng tôi, những bác sĩ điều trị cũng phải đối mặt với sự kỳ thị đến đau đớn”, bác sĩ Hoa chia sẻ.
Khi cô đi thuê trọ, chủ trọ chỉ nghe cô đang công tác tại bệnh viện 09 cũng tỏ ra gượng ép, liên tiếp đặt ra những câu hỏi như: “Làm việc ở đó có nguy hiểm không?”, “Cháu có bị nhiễm bệnh không?”,... Theo nữ bác sĩ trẻ, nhiều lần ra ngoài cô phải đón nhận những ánh mắt kỳ thì, xa lánh khi nhắc đến tên “Bệnh viện 09”
Dù vậy, bác sĩ Hoa khẳng định chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề nghiệp: "Chúng tôi bây giờ là những chiến sĩ thầm lặng chống giặc ‘H’ - giặc tiềm tàng không nhìn thấy hình bóng của nó. Tuy không được vinh danh như những anh hùng trận mạc nhưng cảm thấy mình giúp ích cho đời".
Giây phút cuối đời không người thân, chỉ có những "thiên thần" đưa tiễn
Gần 10 năm gắn bó với công việc điều trị cho bệnh nhân HIV, điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Dương (31 tuổi) cho biết công việc hàng ngày của chị là điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS, có bệnh lý Lao kèm theo. Trong số đó có người ở giai đoạn cuối.
Do đặc thù có bệnh nhân nghiện, khi lên cơn sẽ bất chấp và vật vã nên thời gian bệnh viện mới thành lập, một số bệnh nhân còn có hành động chống trả lại bác sĩ.
Chia sẻ về cơ duyên công tác tại bệnh viện 09, chị Dương cho biết khi xin vào làm tại bệnh viện, chị chỉ muốn tìm một công việc ổn định, không hề nghĩ công việc tại đây lại nguy hiểm và vất vả đến thế. Làm việc, chị Dương tiếp xúc với các bệnh nhân nghiện ma túy, HIV/AIDS. Chị cũng không dám kể về công việc của mình cho bạn bè và hàng xóm biết bởi khi đó, nhiều người vẫn kỳ thị những bệnh nhân HIV/AIDS.
Ngay cả khi yêu chồng mình, chị Dương cũng không dám tiết lộ với anh. Chỉ khi xác định cưới nhau, chị mới giãi bày tâm sự với chồng. Rất may là anh thấu hiểu và ủng hộ công việc của vợ. Chị Dương cho biết thêm, ngoài chồng và những người lớn trong gia đình, các con chị cũng không biết công việc cụ thể của mẹ, chỉ biết mẹ làm ở bệnh viện. Chị tin sau này lớn lên các con sẽ hiểu công việc của mình.
“Khoảng 10 năm trở về trước hay thời điểm hiện tại HIV vẫn là căn bệnh chỉ cần nghe đến mọi người đã tự tránh xa. Để cuộc sống gia đình, con cái không bị kỳ thị, suốt thời gian công tác tại viện, tôi và các đồng nghiệp nhắc con đi học chỉ nói là bố mẹ làm bác sĩ, còn làm ở đâu thì không được nhắc tới, vì ‘sợ con sẽ bị bạn bè kỳ thị’.
Cũng là ngành y, làm nghề cứu người, nhưng chúng tôi nhiều khi không dám nói làm ở đâu”, chị Dương tâm sự.
Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện 09 đều được bảo mật thông tin. Có người giấu người nhà nên việc chăm sóc bệnh nhân hầu như đều do các y, bác sĩ và điều dưỡng đảm nhận. Không chỉ điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân có sức khỏe yếu, chị lại tận tình chăm sóc việc ăn uống, nghỉ ngơi. Chị Dương cũng thường xuyên động viên các bệnh nhân lạc quan, vui vẻ, để hiệu quả điều trị tốt hơn.
Chị Dương nói thêm, bệnh nhân ở đây từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những thân phận bị gia đình bỏ rơi. Họ vào viện với tâm lý bất cần, cô đơn, sức khỏe suy kiệt nên thường không nói địa chỉ gia đình, khai sai tên, đến lúc qua đời cũng không có người thân, không tiếng kèn trống, qua đời trong sự cô độc.
“Có những bệnh nhân chuyển nặng, điều dưỡng tìm cách liên hệ với người nhà nhưng không kết nối được. Thậm chí khi liên lạc được cho gia đình thì bố mẹ lại từ chối thăm nom”
Điều dưỡng Thùy Dương
“Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều bệnh nhân có địa chỉ người thân rõ ràng nhưng khi nguy kịch, người nhà của họ từ chối nghe điện thoại. Nhiều nhà, khi bệnh nhân đã qua đời, bệnh viện đã phối hợp với nhà tang lễ lo xong hậu sự, họ vẫn không đến để nhận tro cốt của người thân", điều dưỡng Dương xúc động kể lại.
Theo chị, ngay từ đầu khi làm việc tại bệnh viện, nhân viên y tế cũng xác định bệnh nhân ở đây có thể bất chấp mọi thứ do bị xa lánh, bỏ rơi. Chính vì đó, các bác sĩ đã trở thành người làm công tác tư tưởng, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
"Bệnh nhân dần dần cũng xem nhân viên y tế như người thân, họ cũng có chia sẻ và tôn trọng. Ngoài xã hội người nhiễm HIV bị bỏ rơi, gia đình không ai quan tâm, kỳ thị. Nhưng khi vào đây họ được bác sĩ quan tâm không ngại ngần gì cả thì họ thoải mái chia sẻ, hợp tác điều trị"
Công việc nguy hiểm, vất vả là vậy nhưng các y, bác sĩ và điều dưỡng của BV đều nỗ lực hết mình, chỉ mong sức khỏe người bệnh tiến triển tốt. Cứu được các bệnh nhân, giúp họ quay trở về cuộc sống thường ngày chính là điều đáng quý nhất. Tình yêu với công việc, dành cho bệnh nhân chính là điều thôi thúc chị gắn bó lâu dài với công việc.
Cũng chính tình cảm thiêng liêng đó đã kết nối các y, bác sĩ, điều dưỡng của BV lại với nhau. Họ cùng động viên, truyền cảm hứng tích cực cho nhau để mang đến những điều tốt đẹp cho các bệnh nhân.
“Y tá hay bác sĩ thì cũng là phụ nữ, ở bệnh viện cống hiến hết mình cho công việc, khi về nhà vẫn là người mẹ, người vợ lo chu toàn cho gia đình”, chị Dương bày tỏ.
Bệnh viện 09 được thành lập vào năm 2009, là bệnh viện chuyên khoa hạng II thuộc Sở Y tế Thành phố Hà Nội. Đây là nơi chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS có những hoàn cảnh đặc biệt. Những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đa số là người nghiện ma túy, nhiễm HIV chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện về.
Giai đoạn 2004-2010, điều kiện tiếp nhận bệnh nhân còn ngặt nghèo, bệnh nhân phải có tổng tế bào miễn dịch dưới 200 mới được tiếp nhận điều trị. Lúc này, bệnh nhân có hệ miễn dịch vô cùng kém, yếu. Y bác sĩ của viện khám, điều trị chăm sóc toàn diện từ việc cho ăn uống, thuốc men, sinh hoạt… Thậm chí, khi bệnh nhân qua đời, bác sĩ tại đây khâm liệm và lo hết các công đoạn sau cùng.
Hiện nay, đối tượng vào viện có mở rộng hơn, nhưng đa phần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị gia đình bỏ rơi hoặc gia đình phó thác toàn bộ chăm sóc cũng như điều trị cho bệnh viện.
Ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện 09, một ngày làm việc không có thời gian nghỉ. Các ca trực nối tiếp nhau và bác sĩ, y tá hay điều dưỡng cũng trong vòng quay đó. Ca trực thứ nhất trong ngày kéo dài từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Ca trực thứ hai từ 14 giờ chiều đến 21 giờ đêm. Ca thứ ba nối tiếp thời gian còn lại trong ngày đến 7 giờ sáng hôm sau.