Liên quan đến bệnh nhân số 22 tái nhiễm Covid-19, ngày 14/3, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Sở đang tiếp tục rà soát những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo đó, bệnh nhân được xuất viện ngày 27/3, và theo dõi 14 ngày (đến hết ngày 10/4) tại khách sạn Sam Grand. Mỗi người cách ly y tế được bố trí 1 phòng riêng, đảm bảo các quy định về cách ly y tế tại nơi lưu trú. Hiện tại, Sở đã cách ly 43 người tại khách sạn Sam Grand liên quan đến bệnh nhân.
Hai du khách người Anh là bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 22 và 23 đang làm thủ tục tại sân bay Đà Nẵng để di chuyển vào TP.HCM, về nước. Tuy nhiên, BN22 dương tính trở lại. (Ảnh: PLO).
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định việc một người đã âm tính với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính có nhiều yếu tố.
“Có thể người đó chưa khỏi bệnh, chưa hết virus hoặc việc lấy mẫu có đạt chuẩn 100% không. Điều đó phụ thuộc vào việc vận chuyển đi lại về nơi xét nghiệm, kỷ luật của từng cá nhân, đặc biệt trong quá trình lấy mẫu. Phải xét nghiệm 3 lần mới có thể khẳng định kết quả”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng, khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Trong trường hợp có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trường hợp bệnh nhân số 22 cho kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính sau khi khỏi bệnh không được gọi là tái nhiễm, mà có thể là người lành mang trùng.
Người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.
“Tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng”, bác sĩ Khanh phân tích.
Theo BS Khanh, người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng.
Về mức độ phát tán của virus ra ngoài, chuyên gia này nhận định cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có. Khi các triệu chứng càng rõ ràng việc lây nhiễm càng nhiều hơn.
“Nếu có hiện tượng này, chắc chắn việc phòng ngừa phải chặt chẽ hơn. Chúng ta phải đề phòng người hết bệnh, đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Sau khi xuất viện, người khỏi bệnh vẫn là phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ”, BS Khanh nói.
“Sở Y tế Đà Nẵng làm đúng quy trình” Sở Y tế Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Bộ Y tế. Theo báo cáo, ngày 8/3/2020 đến ngày 27/3, bệnh nhân 22 được điều trị tại Đà Nẵng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có mạch, nhiệt, huyết áp ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, ăn uống bình thường, tinh thần ổn định. Kết quả X-Quang phổi bình thường. Bệnh nhân được xét nghiệm 3 lần vào các ngày 19/3, 23/3, 25/3 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Theo quy định của Bộ Y tế tại, bệnh nhân được xuất viện vào ngày 27/3/2020 vì thỏa mãn các điều kiệnSau khi ra viện, bệnh nhân được tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày tại khách sạn Sam Grand (cơ sở cách ly tập trung của TP. Đà Nẵng) theo quy định của Bộ Y tế. Trong suốt quá trình cách ly, bệnh nhân được nhân viên theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt và cung cấp thức ăn. Sáng ngày 10/4, bệnh nhân có trạng thái sức khỏe bình thường, đủ điều kiện hoàn thành cách ly y tế theo dõi sau khi xuất viện. Bệnh nhân được khách sạn thuê xe ô tô chở đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng để đến TP.HCM trên chuyến bay VN125 để quá cảnh trở về nước. Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, toàn bộ quá trình đều được ngành y tế Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định. |