Nhóm chuyên gia của WHO đã kết thúc thời gian cách ly để bắt đầu cuộc điều tra ở Vũ Hán. (Ảnh: AP)
Chuyến điều tra của họ vẫn còn nhiều điều bí ẩn. WHO hôm 29/1 đăng lên Twitter một vài thông tin về những điều họ sẽ làm, nhưng vẫn chưa biết Trung Quốc sẽ cho họ tiếp cận các địa điểm và con người đến mức độ nào.
Các nhà khoa học quốc tế hy vọng rằng thông tin về những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc SARS-CoV-2 và ngăn chặn những đại dịch tương tự trong tương lai.
Giới khoa học trên khắp thế giới rất muốn tiếp cận các mẫu bênh phẩm từ chợ hải sản Hoa Nam, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, và các hồ sơ bệnh viện ở Vũ Hán.
WHO viết trong một số tweet rằng nhóm chuyên gia của họ sẽ gặp các nhà khoa học Trung Quốc trong ngày hôm nay trước khi điều tra hiện trường ở khu vực trong và xung quanh Vũ Hán. Họ có kế hoạch sẽ đến các bệnh viện, phòng thí nghiệm và các khu chợ, trong đó có cả phòng thí nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vũ Hán. WHO nói rằng nhóm của họ sẽ nói chuyện với những bệnh nhân đầu tiên.
Một phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán được xây sau đại dịch SARS năm 2003 vẫn là nơi lưu giữ chuỗi gien của các loại virus corona từ dơi. Giới chức Mỹ thời chính quyền Trump từng gợi ý rằng SAR-CoV-2 có thể thoát ra từ đây.
Khu chợ hải sản Hoa Nam và những nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên cũng rất quan trọng vì virus tiếp tục tiến hóa, giống như chủng mới phát hiện ở Anh và Nam Phi.
Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện các ca mắc COVID-19, nhưng cũng có khả năng virus từ nơi khác xâm nhập thành phố 11 triệu dân này.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là Trung Quốc cho phép nhóm WHO làm những gì. Các lãnh đạo Trung Quốc có thể lo ngại rằng nghiên cứu này sẽ làm sáng tỏ những sai lầm mà nước này mắc phải trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, dẫn đến những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và thậm chí cả yêu cầu bồi thường về tài chính nếu xác định đúng là Trung Quốc đã lơ là trách nhiệm.
Trung Quốc đang khống chế các báo cáo độc lập về dịch bệnh và công bố rất ít thông tin về nguồn gốc virus. Điều tra của AP tìm ra rằng chính phủ Trung Quốc kiểm soát rất kỹ các bài nghiên cứu về COVID-19 và cấm các nhà nghiên cứu tỏng nước trả lời báo chí.
Các quan chức WHO cũng phàn nàn riêng tư rằng Trung Quốc cố tình trì hoãn chia sẻ những thông tin quan trọng về dịch bệnh, bao gồm chuỗi gien của virus.
Cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 có thể mất vài năm. Phải mất hơn 1 thập kỷ con người mới xác định được nguồn gốc SARS, trong khi nguồn gốc Ebola vẫn là bí ẩn, dù xuất hiện từ những năm 1970. Biết được nơi xuất phát của virus sẽ giúp ngăn ngừa những đại dịch tương tự trong tương lai.