Natalie Kuniciki – một nữ y tá 23 tuổi, sống và làm việc tại London bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người chỉ vì bẻ cổ cho đỡ mỏi.
Thói quen bẻ cổ có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ.
Trong một buổi tối rảnh rỗi, Natalie nằm xem phim trên giường với một người bạn. Sau một lúc, cô ngồi dậy và bẻ cổ cho đỡ mỏi, lúc ấy xương cổ Natalie phát ra tiếng răng rắc khá lớn. Tuy nhiên cô không mấy để ý đến vấn đề này.
Khoảng 15 phút sau, khi đứng dậy để đi vệ sinh, Natalie đột ngột ngã quỵ xuống sàn nhà vì chân trái không thể cử động. Cô gái 23 tuổi khá bối rối và nghĩ nguyên nhân là do cô đã uống rượu trước đó. Bởi vậy cô không lập tức gọi xe cấp cứu.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một y tá, cô nhanh chóng nhận ra triệu chứng khác thường và đã gọi điện nhờ sự trợ giúp từ xe cứu thương. Khi các nhân viên y tế tới, nhịp tim của Natalie đang trong tình trạng cao bất thường. Cô được đưa đến bệnh viện University College London.
Tại bệnh viện, kết quả chụp CT cho thấy, cô bị đột quỵ và cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi nghe kết quả chẩn đoán, Natalie đã vô cùng kinh ngạc bởi cô nghĩ mình còn rất trẻ, có đời sống sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc, không thường xuyên uống bia rượu, tiền sử gia đình cũng không có ai từng đột quỵ.
Các bác sĩ giải thích, hành động bẻ cổ của Natalie đã khiến cho động mạch đốt sống, là động mạch lớn ở cổ bị vỡ. Chính điều này là nguyên nhân khiến cho một cục máu đông hình thành trong não và gây ra đột quỵ ở cô gái 23 tuổi.
Cuộc phẫu thuật kéo dài tới hơn ba tiếng, các bác sĩ tìm thấy nơi động mạch bị vỡ và khắc phục bằng cách đặt stent, nhưng không thể loại bỏ được cục máu đông trong não của cô. Tuy nhiên, họ tin rằng theo thời gian, cục máu đông sẽ dần tan biến.
Sau cuộc phẫu thuật, nửa thân bên trái của Natalie gần như bị liệt hoàn toàn. Cô gái trẻ chia sẻ mình đã trầm cảm trong một thời gian dài do mất khả năng vận động và phải phụ thuộc quá nhiều vào người khác.
“Tôi cho rằng, khi tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật mọi thứ sẽ được khắc phục, vậy nhưng khả năng vận động của tôi thậm chí còn kém hơn do các bác sĩ không thể loại bỏ được cục máu đông.”, Natalie chia sẻ.
Natalie sau khi trải qua cơn phẫu thuật đột quỵ.
Với quyết tâm có thể quay trở lại với công việc của mình, Natalie nỗ lực luyện tập các bài tập phục hồi chức năng hằng ngày. Đồng thời cô cũng muốn nâng cao nhận thức về đột quỵ trong giới trẻ. Dù là một nhân viên y tế nhưng Natalie cho biết, cô chưa từng nghĩ mức độ phổ biến của đột quỵ ở người trẻ tuổi và trẻ em đang gia tăng một cách đáng kinh ngạc đến vậy. Ngạc nhiên hơn nữa đó là vỡ động mạch đốt sống cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Trước khi đột quỵ, Natalie là một cô gái có đời sống sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể thao, không hút thuốc và uống quá nhiều bia rượu.
Sau khi bị đột quỵ, Natalie buộc phải rời khỏi căn hộ mà mình đã thuê trước đó và chuyển đến sống cùng bố mẹ do không đủ tiền thuê nhà vì mất khả năng lao động. Nhằm giúp em gái trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian nghỉ làm, anh trai của Natalie đã lập ra trang web GoFundMe để mọi người có thể quyên góp cho cô.
Natalie chia sẻ: “80% số tiền quyên góp được là từ những đồng nghiệp cũ của tôi, điều đó thật vô cùng ý nghĩa. Tôi thực sự rất muốn trở lại căn hộ của mình, tôi cũng rất yêu công việc của mình và không muốn từ bỏ chúng”.
Sau 6 – 12 tháng tích cực phục hồi chức năng, cô đã dần dần có thể thực hiện được một số động tác đơn giản. Tuy nhiên, các bác sĩ không biết chắn chắn đến bao giờ Natalie mới có thể khôi phục hoàn toàn.