Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Đông y Liệu Uyển Nhung, công tác tại phòng khám bệnh Đông Y Yurong, chia sẻ về trường hợp cô Trịnh (35 tuổi), mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt, cách khoảng thời gian hơn 2 tiếng thì cô Trịnh phải thay băng vệ sinh một lần.
Một hôm, đúng lúc chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều, cô Trịnh phải tiếp đãi đối tác. Sau khi uống 2 ly bia lạnh, tối hôm đó, băng vệ sinh của cô Trịnh không có vết máu, cô Trịnh được chẩn đoán ngừng chu kỳ kinh nguyệt, mất kinh nguyệt sau khi uống đồ lạnh .
Bác sĩ Đông y Liệu Uyển Nhung, công tác tại phòng khám bệnh Đông Y Yurong.
Bác sĩ Đông y Liệu Uyển Nhung cho biết: "Phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc đến chu kỳ kinh nguyệt không nên ăn đồ lạnh vẫn là điều dấy lên nhiều tranh cãi. Trong y học cổ truyền nhấn mạnh 'khí' là một nguồn năng lượng. Khi ăn đồ lạnh nghĩa là hàn khí xâm nhập và làm tổn thương dương khí trong cơ thể.
So với phụ nữ Châu Á, phụ nữ Châu Âu hiếm khi mắc bệnh hoặc đau bụng kinh khi ăn đồ lạnh, phụ nữ Châu Âu thường xuyên vận động và phơi nắng, do đó cơ thể của họ được bổ sung dương khí nên ăn đồ lạnh không sao. Phụ nữ Châu Á không đam mê các môn thể thao vận động và tránh phơi nắng, do đó dương khí không đủ nên họ dễ mắc bệnh hoặc đau bụng kinh khi ăn đồ lạnh.
Nên hoặc không nên ăn đồ lạnh phải tùy vào thể trạng của mỗi người. Những người bị nhức đầu khi ngồi nơi gió lùa, cơ thể sợ lạnh, viêm mũi hoặc mắc bệnh dạ dày như tiêu chảy, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt đều có thể trạng là suy giảm dương khí nên tốt nhất là hạn chế ăn, uống đồ lạnh".
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chiêm Cảnh Toàn, khoa phụ sản, bệnh viện Taipei City Hospital RenAi Branch, chia sẻ: "Nhiều phụ nữ khi ăn đồ lạnh trong chu kỳ kinh nguyệt thường có cảm giác đau bụng quằn quại. Nguyên nhân là khi ăn đồ lạnh, tử cung của họ sẽ bắt đầu co thắt và ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, do đó phụ nữ nên hạn chế ăn đồ lạnh trong chu kỳ kinh nguyệt".
Bác sĩ Trịnh Thừa Kiệt, khoa phụ sản, bệnh viện Pojen General Hospital, cảnh báo: "Theo kinh nghiệm lâm sàng, phụ nữ mang thai hoặc đến chu kỳ kinh nguyệt không nên ăn đồ lạnh. Khi đồ lạnh xuống dạ dày vẫn đảm bảo nhiệt độ ở mức 37 độ C, nhưng khi xuống đến tử cung sẽ gây ra hiện tượng co thắt, giống như khi bạn mang đá lạnh đặt trên bụng sẽ gây ra hiện tượng tử cung co thắt, đau bụng kinh hoặc tắc kinh. Lời khuyên của tôi là phụ nữ nên tránh ăn đồ lạnh vào ngày đèn đỏ".
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn, khoa ngoại, bệnh viện Min-Sheng General Hospital lý giải: "Đồ lạnh đến dạ dày sẽ khiến cơ thể mất nhiệt, khiến mạch máu giãn nở và co thắt tử cung. Có người ăn đồ lạnh không sao, nhưng có trường hợp ăn đồ lạnh sẽ đau bụng quằn quại, tôi nghĩ phải xem xét thể trạng của từng người mà kiêng kỵ hợp lý".
Ông Bành Ôn Nhã, phó tổng thư ký Liên đoàn y học quốc gia Trung Quốc, bày tỏ quan điểm: "Tôi không khăng khăng luận điểm phụ nữ không được ăn đồ lạnh trong ngày đèn đỏ, bởi điều này còn phải xem thể trạng của mỗi người. Đứng trên quan điểm Đông y, dạ dày là cơ quan tiêu hóa, khi cơ thể ăn đồ lạnh sẽ giảm chức năng hấp thu và tiêu hóa của dạ dày. Ngoài đồ lạnh, thức ăn có vị ngọt hoặc đồ nướng cay đều có thể gia tăng gánh nặng cho dạ dày".
Mất kinh nguyệt là gì?
Mất kinh nguyệt là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt ở phụ nữ từ một đến nhiều kinh nguyệt. Vô kinh có thể xảy ra đối với phụ nữ không có kinh nguyệt ít nhất 3 kỳ kinh nguyệt liên tiếp, cũng như những cô gái đã đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt. Có hai loại vô kinh:
Vô kinh nguyên phát xuất hiện ở những cô gái ở độ tuổi 16, đến thời kì dậy thì nhưng không có kinh nguyệt.
Vô kinh thứ phát là tình trạng người phụ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nhưng đột nhiên lại mất kinh. Thời gian được xác nhận là vô kinh thứ phát ở người có kinh nguyệt đều là 3 tháng, ở người có kinh nguyệt không đều là 6 tháng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô kinh, người phụ nữ có thể gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác cùng với việc không có kinh nguyệt, chẳng hạn như:
- Tiết dịch núm vú.
- Rụng tóc.
- Đau đầu.
- Thay đổi tầm nhìn.
- Đau vùng xương chậu.
- Mụn.
Phụ nữ khi thấy dấu hiệu bất thường như ba kỳ kinh nguyệt liên tiếp không xuất hiện, đến tuổi dậy thì nhưng chưa có kinh nguyệt... hãy đến ngay các bệnh viện để nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Theo Ettoday