90% phụ nữ bị viêm nhiễm, mắc bệnh phụ khoa
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có đến 90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa ít nhất một lần trong đời, trong đó cứ 100 phụ nữ mắc bệnh thì có 11 người tái nhiễm nhiều lần. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Đăng Khoa - Vụ phó Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em Bộ Y tế cho biết, hiện nhiều phụ nữ bị bệnh, dù có cảm giác khó chịu nhưng vẫn cố chịu đựng, e ngại không đi khám, tự điều trị khiến bệnh tình càng nặng hơn. Chỉ khi bệnh nặng, không thể chịu đựng được, chị em mới đi khám, khi đó ngoài tốn kém chi phí điều trị thì nguy cơ biến chứng là rất cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hiền (Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Medlatec) cho biết, đa số chị em bị viêm nhiễm đường sinh dục dưới như viêm âm hộ, âm đạo, viêm cổ tử cung… với những biểu hiện rất điển hình như ngứa, đau phía ngoài nhưng lại “lười” đi khám.
Bác sĩ Hiền cho biết, nhiều chị em bị viêm âm đạo do quá sạch, liên tục thụt rửa âm đạo.
Bác sĩ cho rằng, nhóm chị em là dân văn phòng, có học thức, chăm chút vẻ bề ngoài rất đẹp nhưng tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa lại rất cao, chiến đến 70%, chủ yếu vì một sai lầm rất thường gặp là rửa vùng kín quá nhiều. “Trong số 100 người bị viêm âm đạo đến khám, khi được hỏi thì 99 người trả lời là thường xuyên dùng nước rửa âm đạo, trong đó số phụ nữ dùng dung dịch vệ sinh rửa cũng không hề ít”, bác sĩ Hiền thông tin.
Chăm sóc “cô bé” sạch quá cũng là sai lầm
Chị Hoàng Thị Thoa (28 tuổi, ở Hà Nội) đến khám phụ khoa vì đã phải chịu đựng cảnh ngứa ngáy, khó chịu gần 3 tháng nay. Thậm chí, nếu vùng kín không ra dịch mủ, khí hư thì chị vẫn cố chịu chứ chưa đi khám. “Tôi tuyệt đối chung thủy với chồng, không có quan hệ ngoài luồng nên không thể viêm nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm được”, chị Thoa chia sẻ.
Theo chị Thoa, gần 3 tháng bị ngứa vùng kín, ngày nào chị cũng cẩn thận dùng dung dịch vệ sinh để rửa sau mỗi lần đi vệ sinh. “Tôi nghĩ do chất lượng giấy ở chỗ làm không tốt nên chuẩn bị giấy riêng, rửa xong lau sạch sẽ không hiểu sao vẫn ngứa”, người phụ nữ này nói.
Qua thăm khám bác sĩ kết luận, chị Thoa bị viêm âm đạo do tạp khuẩn. Khi nhận kết quả, người phụ nữ này không tin vì cho rằng mình được mệnh danh “người sạch sẽ nhất công ty”. Sau đó, chị còn đi khám thêm một cơ sở khác nhưng kết quả vẫn như chẩn đoán ban đầu.
Chỉ cần rửa vùng kín bằng nước sạch, không cần rửa dung dịch quá nhiều. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hiền cho biết, các chị em thường nghĩ rằng mình hiểu biết, đọc nhiều nên có kiến thức và ám thị trong đầu, rửa nhiều là sạch nhưng đây lại là sai lầm thường gặp nhất. “Vùng âm đạo có lông che, khi rửa không thể khô nhanh được vì thế rửa liên tục dễ viêm vùng nang lông xung quanh và gây ngứa, dấm dứt rất khó chịu. Ngoài ra, một nhóm phụ nữ thì cẩn thận rửa xong lại dùng khăn để lau, thấm trong khi khăn dùng lại nhiều lần khiến vi khuẩn phát triển nhanh.
Điều thứ ba là nhiều chị em công sở sợ bồn cầu bẩn nên vệ sinh xong là dùng vòi xịt rửa, thậm chí còn cho cả tay vào trong để rửa thật kỹ khiến các tạp chất bị đẩy vào sâu hơn càng làm viêm nhiễm nặng nề hơn”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Làm sao để chăm sóc vùng kín đúng cách
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền khuyến cáo, chị em cần quan tâm đến “cô bé”, nhưng phải làm đúng cách để không gây tổn thương, viêm nhiễm:
- Tìm hiểu kiến thức từ sách báo hoặc từ bác sĩ để hiểu đúng và thay đổi thói quen xấu hàng ngày trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm. Đây là điều rất quan trọng, nó không chỉ phòng bệnh tại thời điểm đó, mà còn phòng tái nhiễm những lần sau.
Chị em nên tham khảo kiến thức chăm sóc vùng kín từ các bác sĩ, không nghe theo lời đồn thổi trên mạng.
- Đi vệ sinh xong chỉ cần thấm giấy khô, không rửa nước nhiều, đặc biệt là việc thụt rửa vì nó sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo.
- Khi rửa dùng nước máy sạch là được, không cần thiết luôn dùng dung dịch vệ sinh, hay nước lá, nước đun sôi.
- Lựa chọn quần lót thấm hút tốt, khô thoáng.
- Dọn dẹp lông vùng kín sao cho phù hợp.
“Là bác sĩ sản khoa, tôi luôn khuyên chị em không cạo sạch hết lông vùng kín, mà chỉ cắt tỉa cho gọn gàng. Bởi lông sinh ra không phải là thừa, mà nó có tác dụng bảo vệ vùng nhạy cảm. Hơn nữa, cạo liên tục thì lông mọc lên sẽ cứng, dễ viêm nang lông gây khó chịu”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
- Khi có dấu hiệu bất thường như ngứa ngáy, ra khí hư, dịch mủ, ra máu... nên đi khám phụ khoa càng sớm, càng tốt.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi