Theo thông tin từ gia đình, thấy bệnh nhi có dấu hiệu sốt nên đã đo nhiệt độ bằng cách cho bệnh nhi ngậm nhiệt kế trong miệng. Tuy nhiên, bệnh nhi quấy khóc không hợp tác nên đã cắn vỡ nhiệt kế thủy ngân. Người nhà sơ cứu bằng cách dốc ngược bệnh nhi, lau rửa khoang miệng bằng nước sạch trước khi đưa vào viện.
Kết quả khám chuyên khoa cho thấy bệnh nhi sốt, niêm mạc miệng, họng, amidan có nhiều vết xước và chấm xuất huyết. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm họng cấp và ngộ độc thủy ngân giờ thứ nhất.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các bác sĩ tiến hành truyền dịch lợi tiểu, nhuận tràng để điều trị ngộ độc kết hợp với dùng kháng sinh để điều trị viêm họng cấp cho bệnh nhi.
Bệnh nhi được theo dõi tại bệnh viện (Ảnh: BVCC)
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, giao tiếp tốt, đang được tiếp tục điều trị thải độc và theo dõi biến chứng gan thận do ngộ độc thủy ngân.
Theo các bác sĩ, thủy ngân là một loại hóa chất rất độc, chỉ cần một lượng rất nhỏ thủy ngân trong nhiệt kế lọt ra ngoài không khí cũng có thể gây độc hại cho những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ. Triệu chứng ngộ độc thủy ngân cấp tùy thuộc vào thời gian, nồng độ và dạng ngộ độc. Khi hít phải thủy ngân có thể dẫn đến bệnh phổi cấp tính nặng gây sốt, ho, khó thở, đau ngực, nôn hoặc nặng hơn với các biểu hiện như co giật, viêm ruột, mất trí nhớ…
Qua trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Nhiệt kế thủy ngân rất dễ vỡ, người dân cần chú ý sử dụng an toàn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hiện ngộ độc thủy ngân chưa có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thủy ngân, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Trường hợp không may nuốt phải thủy ngân lỏng, trong lúc đến cơ sở y tế gần nhất, hãy uống thật nhiều nước.